Các phu vàng ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh) bất chấp hiểm nguy trong mùa mưa bão, vẫn đào khoét lòng đất bới tìm từng vỉa quặng. Sạt lở núi, sụp hầm là những nguy cơ luôn uy hiếp tính mạng con người ở “đất vàng” này.
Rình rập tai nạn
Cơn áp thấp nhiệt đới kéo theo trận mưa dầm dề hơn một buổi sáng 17.9 khi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đến khảo sát thực tế tại khu vực Thác Trắng (Tam Lãnh) - nơi chằng chịt các hầm lò trong lòng đất. Không thấy xuất hiện cảnh phu vàng đưa quặng xuống núi, không thấy cảnh người người lẩn trốn khi có lực lượng chức năng đến, hiện trường tại khu vực Bãi Nát (thuộc Thác Trắng) vẫn giữ nguyên như cũ. Trên mặt đất, lồ lộ vô số hầm lò nham nhở được che đậy bằng các khúc gỗ mục; còn các điểm đang khai thác thì miệng hầm mở toang dẫn sâu xuống lòng đất với hệ thống ròng rọc rung bần bật. Cả khoảnh đồi rộng hàng chục héc ta đã được san bằng. Nhiều gốc cây rừng bị đốt cháy đen để lấy đất làm vàng. Các trinh sát của Công an huyện Phú Ninh “nằm vùng” nhiều năm tại đây cho biết, bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng, các phu vàng cũng chui trong hầm lò để lấy quặng. Năm nào chính quyền cũng tuyên truyền, vận động đối tượng rời khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở cao, song đâu lại vào đấy.
Hiện trường xe cơ giới vừa cày nát núi tìm quặng ở Thác Trắng. Ảnh: T.H |
Lợi nhuận cao từ khai thác vàng đã khiến nhiều đối tượng bất chấp nguy hiểm. Theo quan sát của chúng tôi, mặt bằng điểm Bãi Nát rộng ít nhất 3ha đã tan nát với hàng chục miệng hố nham nhở đang “đánh” dang dở. Trước đây, nơi này là khu rừng nguyên sinh rậm rạp, chính quyền huyện Phú Ninh từng có ý tưởng đưa vào dự phần phát triển du lịch, song bây giờ đã trơ trụi hệ sinh thái. Mật độ các hầm khá dày, một số địa điểm chỉ cần sải vài bước chân là gặp “miệng tử thần”. Tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận các hầm vàng ở Tam Lãnh ít sử dụng gỗ chằng chống, trong khi nền đất núi ở đây rất yếu. Một số hầm đang hoạt động đọng nước mưa xăm xắp, phu vàng vẫn tổ chức lấy quặng, xay nghiền tại chỗ. Các hầm lò AD1, AD2, AM, ngách Chụm, lò 5, 6, 7 và các khu vực mà Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã lấy quặng xong nhưng chưa hoàn thổ đã trở thành nơi tận thu hấp dẫn của “vàng tặc”. Theo ông Bùi Quang Minh – Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, nguy cơ sạt lở núi, sập hầm vào mùa mưa rất cao, nếu các cơ quan chức năng không kịp thời khóa chặt các miệng hầm. Từ đầu năm đến nay, địa bàn này xảy ra 4 vụ sập hầm, làm chết 5 người và 2 bị thương. Vì khai thác theo kiểu chụp giựt, địa phương quản không nổi nên tình trạng tranh giành bãi, vỉa quặng dưới đường hầm thường xảy ra. Hiện, các điểm khai thác trái phép tại Tam Lãnh đều nằm bao bọc hết các đồi núi cao, trong khi địa điểm lấy quặng của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu nằm phía dưới. Ông Nguyễn Viễn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường nói, quản lý trên mặt đất đã không nổi huống hồ gì ở trong lòng đất. Do quặng vàng ăn theo vỉa, ngoằn ngoèo nên chuyện các đường hầm đánh thông nhau sẽ không tránh khỏi.
Sử dụng đất sai mục đích
Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo xã Tam Lãnh kiến nghị, phải đánh sập toàn bộ các khu vực mà công ty đã khai thác xong trong các hầm lò để ngăn cản đối tượng vào mót vàng. Thế nhưng, theo ngành chức năng, giải pháp này khó khả thi vì quy trình nổ mìn đánh sập hầm tốn kém tiền của, thậm chí đe dọa tính mạng của phu vàng, bởi chưa ai dám chắc rằng dưới các “miệng tử thần” không còn người trong đó. Mấy năm trở lại đây, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều cuộc truy quét, đẩy đuổi đối tượng ra các bãi vàng ở Tam Lãnh, nhưng trên thực tế tình hình chưa được giải quyết căn cơ.
Khó truy quét, đẩy đuổi dứt điểm Ông Bùi Quang Minh – Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, không ai đếm xuể có bao nhiều hầm lò xuyên xuống lòng đất, nhưng sự thật là thời điểm này, đối tượng vẫn ngang nhiên lấy quặng ở Thác Trắng, Sũng Mùn, Suối Tre (vùng giáp ranh giữa xã Tam Lãnh với xã Trà Kót, Bắc Trà My) và các hầm lò cũ mà người Pháp đã khai thác trước đây. Địa hình đồi núi hiểm trở, đối tượng liều lĩnh xem hầm lò là nơi khai thác, sinh hoạt nên khâu truy quét, đẩy đuổi thường gặp khó khăn. |
Nhiều người có trách nhiệm giải thích rằng, lợi nhuận từ việc “mót vàng” nơi đây cao hơn bất cứ thứ nghề gì khác, thậm chí một bộ phận người dân xem đây là “nghề truyền thống” nên không dễ bỏ nghề. Thêm vào đó là việc quản lý sử dụng đất trên địa bàn quá lỏng lẻo. Điển hình, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã được Nhà nước giao 365ha đất nhưng diện tích sử dụng chiếm tỷ lệ rất thấp nên “vàng tặc” đã lấn chiếm lâu nay, thực tế là doanh nghiệp chấp nhận nhượng bộ một phần đất chưa khai thác. Trong khi đó, tại khu vực Núi Kẽm, dân lấn đất trồng rừng lâu năm, UBND huyện Phú Ninh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Thế nhưng, lợi dụng quyền sử dụng diện tích đất lâm nghiệp, có khoảng 12 trường hợp người dân đã khai thác vàng trái phép. Ông Mai Xuân Quang – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Ninh xác nhận: “Nhiều diện tích giao đất sản xuất cho người dân ở Tam Lãnh đã sử dụng sai mục đích, chủ yếu để khai thác vàng”.
Điều làm cho ngành chức năng và chính quyền xã Tam Lãnh băn khoăn là bãi thải của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã được một đơn vị khác tái sử dụng, sản xuất lại không đảm bảo về môi trường. “Nồng độ cyanua trong đất ở một số khu dân cư đã vượt mức cho phép, nguồn nước ở nhiều nơi không sử dụng được. Đối tượng sử dụng hóa chất sau khi kết tủa vàng đã thải trực tiếp ra môi trường mà không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào” – ông Minh lo lắng.
TRẦN HỮU