Nông Sơn là vùng đất thơ mộng, hữu tình nằm trong thung lũng bao bọc bởi dãy núi Chúa với nhiều huyền thoại, có dãy Hòn Đền, Hòn Nhạn và nhiều huyền tích liên quan tới Bà Thu Bồn với di tích dinh Bà nằm uy nghiêm bên bờ sông Thu.
Nơi làng Khương Quế cũ, nay là thôn Trung An (xã Quế Trung), dinh Bà Thu Bồn là công trình kiến trúc có tuổi đời hàng trăm năm đã được trùng tu, nâng cấp trước đó và được huyện quy hoạch tạo điểm đến, thu hút du khách đến với vùng đất đẹp, giàu màu sắc tâm linh nơi thượng nguồn.
Từ Mỹ Sơn - Duy Xuyên, du khách có thể theo cung đường đèo Phường Rạnh đã được đầu tư rộng mở chạy ven dòng sông Thu, đến thăm dinh Bà; rồi tiếp tục đến Sơn Viên, hòa mình vào thiên nhiên, ruộng đồng, về bên dòng suối nước nóng Tây Viên còn hoang sơ.
Nông Sơn còn có những cảnh đẹp như lòng hồ Thủy điện Khe Diên, Khu Bảo tồn sinh cảnh Voi, thắng cảnh Đá Bàn, làng quê sinh thái - làng nghề truyền thống trồng cây ăn quả Đại Bình, hay Hòn Kẽm Đá Dừng, Đèo Le - vùng giáp ranh với Quế Sơn…
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn chia sẻ, toàn huyện đã có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, gồm vòng đeo tay trầm hương Quế Trung, bưởi trụ Đại Bình, thịt heo đồi Phước Ninh và tiếp tục xây dựng tạo sự đa dạng sản phẩm vùng miền.
“Loại hình du lịch cộng đồng ở Nông Sơn bước đầu đã giúp nhân dân hưởng lợi. Các loại trái cây, sản phẩm nông nghiệp bà con làm ra được bán với giá cao là nhờ du lịch. Ngày trước trái cây ở đây chỉ bán nhỏ lẻ tại địa phương với giá rẻ vì giao thông kém phát triển, bây giờ giá các loại trái cây tăng gấp đôi tại vườn cũng nhờ du lịch, đời sống người dân phát triển ngày càng rõ rệt” - ông Hòa nói.
Ông Thái Bình - Bí thư Huyện ủy Nông Sơn cho hay, thực hiện “Đề án phát triển du lịch huyện Nông Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, huyện xác định các nhóm sản phẩm du lịch cụ thể. Đó là, nhóm sản phẩm du lịch tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa bản địa: làng Đại Bình, phong cảnh Hòn Kẽm - Đá Dừng và khai thác phát triển du lịch sông nước Thu Bồn. Thứ hai là nhóm sản phẩm ẩm thực đặc sản và mua sắm hàng hóa địa phương gồm: xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm các món ăn chế biến từ gà Đèo Le, trái cây Đại Bình, các loại cá tự nhiên sông Thu Bồn và mua sắm đồ lưu niệm trầm hương thủ công mỹ nghệ Trung Phước. Nhóm thứ ba là sản phẩm du lịch tâm linh và trải nghiệm văn hóa địa phương. Thứ tư là nhóm du lịch khám phá, nghiên cứu lịch sử văn hóa (Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước) và sản phẩm du lịch sinh thái, tự nhiên, giải trí (nước nóng Tây Viên).