Khai thông tiềm năng du lịch Đại Lộc

HOÀNG LIÊN 26/09/2017 13:42

Có mạng lưới sông suối dày đặc, sở hữu những cánh rừng nguyên sinh, là vùng đất của những cuộc tiếp biến văn hóa và nhiều di tích lịch sử..., Đại Lộc giàu tiềm năng du lịch nhưng vẫn chưa có cách khơi thông hiệu quả.

Đập Khe Tân là một trong những điểm đến thú vị tại Đại Lộc. Ảnh: H.LIÊN
Đập Khe Tân là một trong những điểm đến thú vị tại Đại Lộc. Ảnh: H.LIÊN

Dừng lại ở tiềm năng

Những thắng cảnh thiên nhiên vùng Đại Lộc như Khe Lim - Bằng Am, Suối Mơ, Suối Thơ, Vũng Thùng, Sông Cùng, Đá Bàn, đập Khe Tân, đập Trà Cân... còn giữ được nét hoang sơ, chưa có sự can thiệp từ bàn tay con người nên tiềm năng du lịch sinh thái lớn. Nhiều dấu ấn văn hóa lịch sử, văn hóa dân gian vẫn còn lưu giữ như chùa Cổ Lâm, động Hà Sống, chiến thắng Thượng Đức, địa đạo Phú An - Phú Xuân; múa tứ linh, hô hát bài chòi, lễ hội bà Phường Chào, lễ hội Dinh bà Chúa Ngọc... in đậm nét văn hóa độc đáo vùng miền. Nơi đây còn dày đặc những công trình di tích kiến trúc với 2 di tích cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh. Những làng quê, làng nghề truyền thống nổi tiếng từng vang bóng một thời làm nên tên tuổi của đất và người Đại Lộc như: làng trống Lâm Yên, làng hương Phú Lộc, làng hồ Khánh Vân, làng chè xanh An Bằng, bánh tráng Ái Nghĩa, rau Bàu Tròn... hứa hẹn mang đến trải nghiệm thú vị. Đáng nói, cầu Giao Thủy hình thành đưa vào sử dụng đã thúc đẩy gắn kết phát triển kinh tế giữa Đại Lộc - Duy Xuyên - Nông Sơn và Đà Nẵng và vùng lân cận. Cơ sở hạ tầng du lịch, mạng lưới lưu trú, cơ sở dịch vụ ẩm thực vùng miền của Đại Lộc từng bước được kiện toàn. Qua đó cho thấy tiềm năng du lịch Đại Lộc từng bước được định hình.

Với những ưu thế trên, song Đại Lộc vẫn loay hoay trong phát triển du lịch. Đã có một số dự án du lịch sinh thái được thu hút vào địa bàn như dự án du lịch sinh thái hồ Khe Tân, Bằng Am - Khe Lim do Công ty Quảng Cường đầu tư, nhưng tiến độ chậm chạp. Lượng khách đến với Đại Lộc còn ít, chủ yếu là khách nội địa, tập trung ở Suối Mơ và Khe Lim, thời gian lưu trú ngắn, doanh thu từ du lịch còn quá thấp. Nguyên nhân được ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhìn nhận, trước hết là cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu và yếu; các cơ sở lưu trú còn nhỏ, chưa hoạt động theo hướng chuyên nghiệp; cơ sở ăn uống chưa thể phục vụ lượng khách lớn. Ở các khu du lịch sinh thái, mùa khô, lượng nước từ khe suối ở Suối Mơ, Khe Lim... suy kiệt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc tổ chức các loại hình du lịch sinh thái ở vùng. Đại Lộc vẫn chưa hình thành được đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp; sản phẩm đặc trưng, độc đáo mang tính vùng miền còn thiếu. Sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch chưa cao. Thu hút đầu tư còn yếu, tốc độ triển khai dự án du lịch do chính quyền cấp phép còn chậm, có dự án đã dừng triển khai, đang chờ thu hồi. Việc kết nối tour tuyến còn yếu, du lịch chưa có sự lan tỏa vùng...

Tạo sản phẩm đặc trưng

Chia sẻ tại tọa đàm về phát triển du lịch tại Đại Lộc, ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên góp ý, Đại Lộc nên lựa chọn hai điểm nổi bật trong phát triển du lịch. Về du lịch sinh thái, nên chọn Khe Lim là điểm nhấn, ưu tiên hàng đầu để kết nối điểm, tour bởi nơi đây còn lưu giữ thiên nhiên hoang sơ, độc đáo, mà Đà Nẵng hay Hội An, Duy Xuyên không thể có. Về văn hóa, đặc sản, món bánh tráng thịt heo Đại Lộc không thể không thưởng thức khi ghé qua đất này, vậy nên cần thiết lập những cơ sở ăn uống đặc sắc, tạo điểm nhấn, đáp ứng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Phan Thái Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT Điện Bàn chia sẻ thêm, làm du lịch để thành công là quá khó, không thể một sớm một chiều. Câu chuyện của làng du lịch cộng đồng Triêm Tây của thị xã Điện Bàn với sự nóng lên của các dự án, du khách tập trung về, đi kèm với đó là nét hồn hậu, yên ả của một làng quê với bờ giậu, những lũy tre làng, sự chân chất mộc mạc của người nhà quê đang mai một từng ngày… cũng là nỗi lo của những người làm du lịch. “Làm du lịch không nên nóng vội mà phải đáp ứng sự phát triển bền vững. Quan trọng là cần phải tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới lạ đáp ứng thị hiếu du khách” - bà Hoa nói.

Ông Nguyễn Hai - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam cho rằng, trung tâm sẽ hỗ trợ Đại Lộc trong việc khảo sát, mời các đoàn famtrip, presstrip đến khảo sát sản phẩm, dịch vụ của huyện; tổ chức các buổi tham vấn, lấy ý kiến, trao đổi, đóng góp của các đối tác để hoàn thiện sản phẩm du lịch. Trung tâm cũng hỗ trợ địa phương liên kết phát triển các sản phẩm, chương trình du lịch với các địa phương lân cận… Giới thiệu hình ảnh, ấn phẩm, phim về du lịch tại các hội chợ, hội nghị, các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước của tỉnh. Tuy nhiên, phía địa phương phải huy động nguồn lực, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở tiềm năng vốn có. Quan trọng là phải xây dựng cho được đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch. Còn ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng: “Phải nghiên cứu đối tượng du khách trước khi chọn sản phẩm du lịch phù hợp. Liên kết tour tuyến, phải làm gì khác với những địa phương khác, dựa trên thế mạnh vốn có, tránh lặp lại gây nhàm chán. Quan trọng là phải tạo nhiều sản phẩm đặc trưng bản địa, mang tính chất vùng miền”.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thông tiềm năng du lịch Đại Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO