Chợ online, “chợ ảo”… là hình thức thương mại điện tử (TMĐT) mà các giao dịch mua bán được thực hiện qua mạng internet. Một số đơn vị, doanh nghiệp tại Quảng Nam đã hướng đầu tư sang loại hình thương mại hiện đại này.
Tại Quảng Nam, nhiều công ty du lịch lữ hành hay nhiều khách sạn nổi tiếng tại Hội An đã sớm tận dụng thế mạnh của loại hình kinh doanh trực tuyến để quảng bá, đẩy mạnh thương hiệu. Những cái tên: Lê Nguyễn với website:www.lenguyentravel.com, Hoi An Riverside Resort & Spa (hoianriverresort.com.vn) hay Boutique Hoi An Resort, Hội An Beach Resort … không còn xa lạ. Mỗi năm, Lê Nguyễn bỏ ra 600USD để hình ảnh của mình chiếm một vị trí nhất định trên Google và Yahoo, phục vụ khai thác khách hàng. Với hệ thống nghỉ dưỡng, khách sạn dày đặc tại phố Hội, du khách chỉ cần lên Google, những thông tin về địa chỉ, hình ảnh, dịch vụ, giá phòng, loại phòng… được cập nhật đầy đủ. Khách có thể yêu cầu dịch vụ trực tuyến, đặt phòng, thanh toán trực tuyến qua vài cái click chuột.
Hoạt động xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư TMĐT đã được thiết lập thông qua Sàn giao dịch TMĐT Quảng Nam (http://quangnamtrade.com.vn) do Sở Công thương phối hợp với Trung tâm Thông tin - thương mại (thuộc Bộ Công thương) thực hiện từ năm 2006. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Quảng Nam chưa tận dụng kênh này phục vụ chiến lược kinh doanh. Đến nay sàn chỉ mới thu hút khoảng 129 doanh nghiệp tham gia đăng ký với các ngành hàng: dệt may, nông sản, thủy sản, thực phẩm, du lịch, dịch vụ. Số lượng truy cập của sàn khoảng 29.067 lượt và 210 mặt hàng được chào bán. Nhìn chung, doanh nghiệp tham gia sàn chỉ dừng lại ở mức quảng bá sản phẩm, thông tin về doanh nghiệp, chưa có các hoạt động giao dịch, tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng hay giữa doanh nghiệp và nhà quản lý.
Ông Trần Văn Địch - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, cơ hội kinh doanh tiêu dùng online đang là tiềm năng cần khai phá. “Chúng tôi đang thăm dò xu hướng tiêu dùng, hành vi của người tiêu dùng trên các trang TMĐT để xây dựng chiến lược kinh doanh ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đẩy mạnh loại hình kinh doanh bưu chính chuyển phát, Bưu điện tỉnh sẽ đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam như: nấm linh chi, nấm lim xanh Tiên Phước, sâm Ngọc Linh và các dòng sản phẩm từ sâm, sản phẩm dệt Mã Châu, sản phẩm đồng Phước Kiều… Các dịch vụ truyền thống như điện hoa, quà tặng, vé máy bay, sim thẻ, truyền hình AVG, bảo hiểm… cũng được chú trọng” - ông Địch nói.
Để xúc tiến phát triển TMĐT, theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương, sở đang phối hợp với Cổng thông tin điện tử Quảng Nam xây dựng đề án nâng cấp, phát triển Sàn giao dịch TMĐT. Đề án sẽ tích hợp nhiều phần mềm tác nghiệp trong cơ quan và giữa Sở Công thương với doanh nghiệp như phần mềm Q-office, cấp phép qua mạng, phần mềm cung cấp thông tin, báo cáo trên sàn… Mục tiêu đưa ra là đến năm 2015, Quảng Nam có 60% doanh nghiệp, cơ sở biết tới lợi ích của TMĐT và tìm kiếm cơ hội giao thương qua mạng.
BÍCH LIÊN