Nhân Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh cụ Phan Châu Trinh (1872 - 2022), trong tuần này Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”. Nhiều luận điểm nổi bật trong tư tưởng của cụ Phan sẽ còn được hậu thế ôn lại như quan điểm canh tân đất nước, tư tưởng dân chủ dân quyền, khát vọng thức tỉnh, chấn hưng dân tộc, tư tưởng trọng dân, về tự lực tự cường…
“Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là Chi bằng học”. Câu này của cụ Phan, đến bây giờ vẫn được giới trí thức ưu tư với vận mệnh đất nước nhắc đi nhắc lại, như một tự răn, để tìm cách xây dựng quê hương.
Còn nhớ, cuối năm 2016 tôi đến thăm người cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh - bà Nguyễn Thị Bình tại tư gia ở Hà Nội. Lúc ấy bà còn khỏe. Trong chừng nửa giờ được phép ở chơi theo đề nghị của người cháu gái, vì sợ bà mệt, tôi nghe bà nói rất nhiều về giáo dục và “những vấn đề giáo dục ở ta” (lời của bà). Điều khiến tôi tâm đắc nhất, là chuyện bà đề cập đến việc cần phải có khoa học về giáo dục. “Các nhân tố ngoài khoa học còn lấn át các nhân tố khoa học. Các nhân tố ngoài khoa học thì có nhiều thứ. Điều các nhà nghiên cứu về khoa học giáo dục muốn nói đến trước hết là sự cởi mở về học thuật, hay nói sát hơn, là nhu cầu phát huy quyền tự do trong học thuật”. Bà cho tôi xem bài báo của bà viết về chuyện này rồi dặn: “Báo Quảng Nam ngoài việc cổ xúy cách làm tốt trong giáo dục của địa phương, cần tìm cách đưa góp ý của những trí thức có tâm và tầm để chính quyền lắng nghe. Làm sao để xứng đáng với truyền thống đất học, vùng đất Ngũ phụng tề phi”.
Với cụ Phan, khai dân trí, con đường đó, chỉ có một hướng: “Chi bằng học”. Cụ quan niệm cái học phải đi theo tinh thần của tự do dân chủ. Học là để nâng cao hiểu biết cho nhân dân, chống lối từ chương, nặng về khoa cử, tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản, tuyên chiến với chế độ quân chủ, cải cách phong tục tập quán, bài trừ mê tín dị đoan, nâng cao dân quyền, tin ở sức mình… Cụ Phan Châu Trinh phê phán “cái học ù ù cạc cạc, khiến cho con người tối tăm mù mịt, mềm yếu ươn hèn”.
Giật mình vì cái học ù ù cạc cạc đó, hiện diện khắp nơi. Tôi luôn băn khoăn, tư duy học để thi, để có công danh bao giờ thì được thay thế bằng học để biết, để làm, để làm người, để chung sống?
Rất nhiều trí thức, học giả, nhà giáo đưa gợi ý để đổi mới tư duy giáo dục, hoàn thiện triết lý giáo dục, cũng như bao nhiêu lần đưa mục tiêu cải cách toàn diện nhưng rồi dòng người trẻ ra nước ngoài học (và tìm cách ở lại) vẫn chưa dừng lại; trong nước thì ai có điều kiện kinh tế một chút, đều theo trào lưu cho con học trường quốc tế.
Hôm nay, học sinh trên cả nước khai giảng năm học mới. Những bản tin đây đó về sự nhiễu nhương trước thềm năm học mới lại nhộn nhạo một hồi khiến phụ huynh ủ dột. Để rồi lại nuôi hy vọng, năm sau chắc không còn chuyện thiếu trường thiếu lớp, chương trình học bớt áp lực, thầy cô được tôn trọng, học sinh được yêu thương...
Tôi đọc lại bài báo cũ của GS. Hoàng Tụy “Giáo dục không thể đổi mới vụn vặt” rồi tự hỏi: Chẳng phải những người Quảng như GS. Hoàng Tụy, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà văn Nguyên Ngọc đã có những lời tâm huyết, trực diện để góp ý cho nền giáo dục nước nhà rồi sao? Những lời đó đã được lắng nghe đến đâu? Hôm nay chúng ta nhắc nhớ tinh thần “Chi bằng học” của nhà yêu nước Phan Châu Trinh không đơn thuần chỉ là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Thấu triệt tinh thần “Chi bằng học” ở góc độ cá nhân hay quốc gia đến mức độ nào thì sẽ quyết định diện mạo của hiện tại và tương lai vậy.