(QNO) - Một nhóm người tự xưng là “bác sĩ” đông y đến xã Bình Giang (huyện Thăng Bình) để tổ chức khám bệnh miễn phí nhưng bán thuốc, thực phẩm chức năng với giá gấp đôi so với thị trường. Nhiều người thậm chí mất cả chục triệu đồng mà không biết thuốc mình mua có… chữa đúng bệnh hay không.
Theo phản ánh của người dân, nhóm “bác sĩ” này của Công ty Hadaco Việt Nam.
Bà Thu trình bày vụ việc với phóng viên. Ảnh: XUÂN THỌ |
Vay, mượn tiền để mua thuốc với giá "cắt cổ"
Sáng 9.4, chúng tôi gặp bà Lê Thị Thu, 57 tuổi, ở thôn 3, xã Bình Giang trong tâm trạng chưa hết bức xúc lẫn lo âu. Bà Thu cho biết cách đây mấy hôm, nghe thông báo từ thôn có đoàn bác sĩ về khám bệnh miễn phí nên bà rất hồ hởi và bàn cả gia đình đi khám.
Nhóm “bác sĩ” tự xưng này hoạt động ở nhà văn hóa thôn 3 trong vòng 7 ngày, 6 ngày đầu họ cho người dân ngồi trên 1 cái ghế gọi là “khám vật lý trị liệu”, đến ngày thứ 7 mới kê toa bán thuốc. Cả gia đình 4 người nhà bà Thu đều được chẩn đoán là gan nhiễm mỡ và kê toa thuốc lên đến gần 7 triệu đồng. Tuy nhiên, vì toàn chữ nước ngoài nên bà Thu không biết là thuốc gì.
“Mua về rồi, thằng con tôi mới lên mạng internet kiểm tra thì thấy cũng nhãn hiệu như thế, nhưng giá thấp hơn một nửa so với giá tôi mua của họ. Chẳng hạn như 3 hộp thuốc của tôi mua có giá 1,5 triệu đồng/hộp, thì con tôi phát hiện giá thật chỉ 750 nghìn đồng/hộp mà thôi” - bà Thu cho hay.
Ông Năm cho rằng nhóm "bác sĩ" có dấu hiệu lừa đảo. Ảnh: XUÂN THỌ |
Nghĩ chắc bị lừa, chồng bà Thu là ông Lưu Thanh Năm, 61 tuổi đến gặp nhóm bác sĩ này để thương lượng lại giá. Ông Năm bị hỏi “có hóa đơn đỏ không, nếu không có thì không trả được”, ông Năm bèn nói lại “các anh bán cho tôi có hóa đơn đỏ đâu mà đòi tôi xuất”. Sau đó ông Năm đòi xem giấy phép hành nghề thì những người này nói có nhưng lảng tránh, không đưa.
Thấy nhóm người này có nhiều dấu hiệu mập mờ, ông Năm tiếp tục yêu cầu được hoàn trả số thuốc, thực phẩm chức năng đã mua. Tuy vậy, nhóm “bác sĩ” tựng xưng này vẫn chưa chịu nhượng bộ, đến khi ông Năm đòi thông báo cho cả mọi người biết thì mới đồng ý yêu cầu của ông Năm.
Mời bạn đọc xem video do truyền hình online Báo Quảng Nam thực hiện:
.
“Thằng con kiểm tra giá thuốc xong thì tôi càng nghi hơn. Bởi trước đó, họ nói khám miễn phí, nhận toa thuốc nếu có tiền thì mua còn không có tiền thì để khi khác mua, nhưng khi khám xong, họ không chịu đưa toa thuốc. Thậm chí, khi chúng tôi mua xong, muốn giữ lại toa thuốc để khi nào dùng hết thuốc mà có hiệu quả thì tiếp tục mua uống nhưng họ vẫn không chịu đưa” - ông Năm kể thêm.
Cũng theo lời ông Năm, chỉ có gia đình ông và một vài hộ dân biết và trả lại thuốc. Trước đó, vợ ông phải mượn thêm 4 triệu đồng để mua số thuốc, thực phẩm chức năng với gần 7 triệu đồng.
Bệnh na ná nhau
Lần theo bức xúc của người dân, một điều dễ nhận thấy là nhóm “bác sĩ” tự xưng này chủ yếu nhắm vào người già. Họ đa phần có cuộc sống khá khó khăn, phải lo bữa ăn hàng ngày. Nhưng khi nghe “bác sĩ” phán bệnh, họ phải vay mượn để đủ số tiền mua thuốc, thực phẩm chức năng với giá gấp đôi trên thị trường. Điều đáng nói, họ được chẩn đoán với một số bệnh na ná nhau như gan nhiễm mỡ, khớp, đi tiểu nhiều… Thậm chí, có trường hợp “bác sĩ” phán công dụng của thuốc theo… mô tả của người dân, như trường hợp của ông Nguyễn Chạ, 82 tuổi, thôn 4, xã Bình Giang.
Ông Chạ với 1 lọ thuốc và 1 lọ thực phẩm chức năng đã mua của nhóm "bác sĩ từ thiện". Ảnh: XUÂN THỌ |
Ông Chạ cho biết mình hay mất ngủ, bị ngứa và đi tiểu đêm nhiều. Đi khám, ông cũng được phán là bị gan nhiễm mỡ, bị ngứa và khớp. Sau đó, ông được “bác sĩ” bán 1 lọ thực phẩm chức năng của nhãn hàng Herbalife có chức năng được ghi trên sản phẩm là “tăng cường sức khỏe cho mạch máu và hệ tuần hoàn”; 1 lọ thảo dược An Phước Bình có công dụng được ghi trên vỏ hộp là “làm giảm đau nhức xương khớp, chân tay tê mỏi”. Ông Chạ không biết giá mỗi lọ là bao nhiêu, vì “bác sĩ” bán gộp cả 2 với số tiền gần 2 triệu đồng. Số tiền này, ông mượn từ hàng xóm.
Nhóm “bác sĩ” do Phòng Y tế huyện Thăng Bình giới thiệu Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Anh - Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang cho biết nhóm người này có công văn giới thiệu của Phòng Y tế huyện Thăng Bình, thậm chí đến 21 xã, thị trấn ở huyện Thăng Bình chứ không riêng gì xã Bình Giang. Cũng theo ông Anh vì tin tưởng vào công văn của Phòng Y tế huyện, nên chính quyền địa phương không hề nghĩ đến chuyện nhóm người này không có giấy phép. Còn ông Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Y tế huyện Thăng Bình cho hay, công văn giới thiệu của phòng không hề sai. Vì trong công văn chỉ cho phép khám chữa bệnh chứ không cho phép bán thuốc hay thực phẩm chức năng. Đồng thời ông Tuấn cho biết đang rà soát những người dân đã mua thuốc để liên hệ, trả lại cho công ty này. |
Đáng nói, với lọ thảo dược An Phước Bình trị xương khớp, “bác sĩ” còn nói có tác dụng trị ngứa sau khi nghe ông Chạ trình bày mình hay bị ngứa da và ở tai. “Nhưng khi về, tôi dùng, thậm chí là cả xịt vô lỗ tai, thì thấy ngứa hơn, nên không dám xịt nữa. Chưa hết, mặc dù nói khám miễn phí, nhưng sau khi khám xong, nhóm “bác sĩ” này yêu cầu đóng 50 nghìn đồng/người gọi là tiền xăng xe. Chúng tôi phản ứng thì mới giảm xuống còn 20 nghìn đồng. Khi nghe tin chúng tôi bức xúc giá bán khá cao, thì họ nói bữa sau đến nhà văn hóa thôn để trả lại sản phẩm, nhưng chúng tôi đến thì họ đã đi rồi” - ông Chạ cho hay.
XUÂN THỌ - ĐỨC NHI