Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế miền núi: Bước chuyển về nhận thức

DIỄM LỆ 09/07/2014 10:40

Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã dần ý thức hơn đối với việc chăm sóc sức khỏe khi được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và cấp bù 5% cùng chi trả từ ngân sách nhà nước.

Đau là đến bệnh viện

Ngày cuối tuần, khoa hồi sức cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Đông Giang có 7 bệnh nhân nội trú. Chị Ating Thị Pép (thôn Pànai I, xã Tà Lu, huyện Đông Giang) đang được chuyền nước, sức khỏe đang dần hồi phục tốt. “Mình ở nhà nghe đau bụng, có uống lá thuốc mà không hết, đến trạm y tế xã khám, rồi mình đau nhiều hơn nên được chuyển lên đây. Lên trên này có bác sĩ lo, ngày nào cũng khám, rồi cho thuốc uống, tiêm thuốc. Chừ mình thấy đỡ đau rồi. Mình nằm viện không tốn chi hết, chỉ tốn tiền ăn uống thôi”- chị Pép nói. Tại khoa Nội của Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, có khá đông bệnh nhân đang điều trị nội trú, phần đông là người lớn tuổi. Bà Arấl Công (thôn Ka Đắp, xã Arooih) không rành tiếng Kinh, nên chúng tôi phải nhờ một bác sĩ là người đồng bào DTTS phiên dịch giúp. Bà Công bị viêm phế quản, cộng với bệnh thoái hóa cột sống. Bà Công nói rằng ở nhà bà ho suốt, có uống thuốc dân gian, nhưng không hết, ho gần 3 tuần bà phải đến bệnh viện. Đến viện, bà được bác sĩ cho uống thuốc nên đỡ ho, lưng cũng bớt đau. Bà Công cảm ơn bác sĩ đã giúp bà khỏi bệnh.

 Đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi đã ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân.Ảnh: D.LỆ
Đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi đã ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân.Ảnh: D.LỆ

Tại Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, tất cả bệnh nhân điều trị nội trú đều là đồng bào DTTS. Bà Arấl Thị Gục (thôn Pàdấu 2, thị trấn Thạnh Mỹ) nằm viện được vài ngày. Bác sĩ điều trị cho bà Gục bảo bà bị viêm phổi, phải điều trị dài ngày mới khỏi bệnh. Bà Gục nghe lời bác sĩ nên không đòi về nhà, nằm ở viện điều trị, và người nhà của bà Gục cũng rất chú tâm cho bà uống thuốc đúng giờ, ăn uống theo chỉ bảo của bác sĩ. Tư tưởng đau ốm là phải cúng ma cúng thầy đã giảm rất nhiều trong suy nghĩ của đồng bào DTTS khi họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước.  

Tận tụy vì người dân

Ông Chrưm Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, cho biết: “Từ khi đồng bào DTTS được cấp thẻ BHYT miễn phí, họ đã ý thức hơn trong việc đi khám chữa bệnh. Đặc biệt, từ khi được tỉnh hỗ trợ hẳn 5% viện phí cùng chi trả, số lượt người đến điều trị tại bệnh viện ngày một tăng hơn. Trước, họ sợ đi bệnh viện không có tiền để trả, nhưng giờ không phải trả gì nên họ đi nhiều hơn. Chính sách BHYT gắn liền với nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, và người dân ở miền núi cũng đã hiểu về chính sách. Chẳng hạn như một người được hưởng nhiều chế độ, cứ nghĩ mỗi chế độ sẽ có một thẻ BHYT. Nhưng chúng tôi cùng với bên bảo hiểm xã hội, lao động - thương binh cùng tuyên truyền, nói cho người dân hiểu chỉ dùng một thẻ BHYT được hỗ trợ nhiều nhất, nhờ thế họ không đòi hỏi như trước là phải có một lúc nhiều thẻ”. Tuy nhiên, ở miền núi, người dân bảo quản thẻ BHYT không tốt, dễ bị hư hỏng, mất, mờ thẻ, mà bản thân họ lại không bao giờ mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh nên cán bộ tiếp nhận hồ sơ rất vất vả. Trung tâm Y tế phải phối hợp với BHXH Nam Giang, cùng quản lý mã số thẻ BHYT để giải quyết kịp thời cho người dân, cho ứng viện phí rồi thanh toán sau. Nếu người dân mất thẻ BHYT, chỉ cần giấy xác nhận là thực hiện ngay, thẻ có thể bổ sung sau vì thẻ cấp lại nhanh hơn trước. Như thế, bác sĩ ở miền núi không chỉ lo khám chữa bệnh mà còn phải lo toàn bộ giấy tờ hồ sơ cho bệnh nhân.

Bà Lê Thị Quyết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, tâm sự: “Ngoài việc được khám chữa bệnh miễn phí, huyện Đông Giang còn hỗ trợ thêm tiền ăn cho mỗi bệnh nhân là 10.000 đồng/ngày. Đồng bào thường rảnh lúc nào đến xin khám bệnh lúc đó, có khi nửa đêm, hay thứ Bảy, Chủ nhật cũng đi khám xin thuốc. Nếu không khám thì tội người dân, nếu khám cho thuốc giờ đó là không đúng quy định, sẽ bị xuất toán khi bên BHYT kiểm tra. Có lúc y bác sĩ của bệnh viện bị dân phản ứng chỉ vì người dân mượn thẻ của người khác đi khám mà bị phát hiện, hay đi vượt tuyến khám phải cùng chi trả...”. Chia sẻ thêm về cái khó của miền núi, bà Quyết cho biết thêm, hiện nay, Đông Giang có 21 bác sĩ/ 24.000 dân, chủ yếu là người đồng bào DTTS, học theo diện cử tuyển hoặc đào tạo tại chỗ. Hiện tại, ở Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, chỉ duy nhất bà Quyết là bác sĩ thực hiện được phẫu thuật. Thêm nữa, trong chuyển viện BHYT, tuyến đường từ Đông Giang đi Đại Lộc chỉ được tính 60km, trong khi thực tế lại dài hơn 80km. Quỹ khám chữa bệnh chỉ chi trả 60km, còn hơn 20km bệnh viện phải chịu là thiệt thòi lớn cho bệnh viện.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế miền núi: Bước chuyển về nhận thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO