Yêu thích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, anh Trần Văn Hơn (trú xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức) đã mày mò học hỏi, tự tay chế tác nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ cây tre.
Trước khi triển khai mô hình này, anh Hơn từng làm nhân viên giao hàng, rồi cùng vợ góp vốn mở quán ăn vặt gần nhà, nhưng những công việc này đều không kéo dài được bao lâu.
Bắt tay làm các sản phẩm bằng tre từ giữa năm 2021, hiện cơ sở của anh Hơn có diện tích hơn 50m2. Yêu thích đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, anh lân la học nghề rồi đầu tư mua sắm máy móc, tự nghiên cứu, chế tác những dụng cụ như bàn ghế, xích đu, ghế xếp... bằng tre.
“Lúc đầu tôi làm các sản phẩm để sử dụng trong nhà, bán cho người thân quen. Lâu dần, nhiều người đến hỏi mua và đặt hàng ngày một nhiều nên tôi làm thường xuyên luôn” - anh Hơn nói.
Để có nguyên liệu tốt, anh Hơn trực tiếp đi thu mua tre tại địa phương sau đó mang về xử lý. Theo anh Hơn, công đoạn xử lý tre sao cho bền và tạo được hình dạng theo ý muốn là hết sức quan trọng, đòi hỏi có sự tỉ mỉ, khéo léo. Từ lúc xử lý tre tươi đến lúc hoàn thành một sản phẩm phải mất ít nhất 7 ngày.
Hiện nay, mô hình sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của anh Hơn cho thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 10 triệu đồng. Với nhiều sản phẩm đa dạng như giường, bàn ghế, xích đu, ghế xếp..., đơn đặt hàng của cơ sở anh Hơn ngày càng tăng lên.
Các sản phẩm bằng tre được ưa chuộng bởi sự gọn nhẹ, bền lâu và dễ dàng di chuyển. Từ phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn huyện Hiệp Đức, đến nay cơ sở của anh Hơn đã bán sản phẩm ra nhiều địa phương khác.
Các sản phẩm của cơ sở còn được tham gia các hội chợ triển lãm tại Hiệp Đức, TP.Tam Kỳ. Để giới thiệu, quảng bá và tìm thị trường tiêu thụ, đồng thời tạo niềm tin đối với khách hàng về chất lượng của từng sản phẩm, thời gian sắp tới, anh Hơn dự định sẽ đầu tư, xây dựng thêm lò hun khói, mua máy sấy nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.