Hơn 10 năm trước, khu đồi núi Nà Nhậm rộng gần 2ha của gia đình ông Nguyễn Thành Nhân (thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà, Tiên Phước) chủ yếu trồng keo lai. Trồng keo đem lại hiệu quả không cao nên gia đình ông Nhân chuyển sang trồng cam giấy bản địa, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn cam giấy xanh tốt, trĩu quả, vừa hái những quả cam, ông Nhân phấn khởi cho biết, đây là năm thứ 8 vườn cam gần 400 gốc cho thu hoạch. Ban đầu trồng cam giấy gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm và thiếu vốn. Để chuyển đổi đất trồng keo lai qua trồng cam, gia đình ông Nhân đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiên Phước gần 100 triệu đồng.
Có vốn, gia đình ông bắt tay khai phá, cải tạo đất, mua cây giống, phân bón và lắp đặt hệ thống nước tưới tiêu cho khu vườn. Giai đoạn đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật canh tác nên vườn cam của gia đình phát triển kém, một số cây bị mắc bệnh và chết, buộc phải trồng lại.
Không nản lòng, ông Nhân tự mày mò tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam giấy trên sách báo, đi học hỏi kinh nghiệm từ những nhà vườn trồng cam trong và ngoài địa phương. Nhờ vậy, vườn cam của gia đình ngày càng phát triển, hạn chế được sâu bệnh, năng suất, sản lượng tăng dần theo từng năm. Bốn trăm gốc cam của gia đình cho năng suất khoảng 7 - 8 tấn cam/vụ.
Hiện tại cam của gia đình ông Nhân ngoài bán trên địa bàn huyện còn được thương lái thu mua bán sang các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn… Mỗi ký cam dao động từ 15 - 20 nghìn đồng, vụ cam năm nay cho lợi nhuận ước tính gần 100 triệu đồng.
“Thời tiết năm nay khá thuận lợi nên cây cam cho quả tương đối sai, da mỏng, mọng nước. Nông dân ở đây đang tiến hành thu hoạch cam giấy. Trồng cam không khó, tuy nhiên để cây cam cho năng suất cao cần áp dụng bón phân tổng hợp gồm nguồn phân bò khô kết hợp với một số loại phân vô cơ. Đồng thời phải đảm bảo nguồn nước tưới cho vườn cam, nhất là vào mùa nắng nóng” - ông Nhân chia sẻ kinh nghiệm.
Thấy được hiệu quả việc trồng cam, ông Nhân mạnh dạn tiếp tục vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thêm 50 triệu đồng thực hiện Đề án 03 của huyện Tiên Phước về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Theo đó, gia đình đã trồng mới 800 cây chanh, 300 cây ổi, 50 cây bưởi và đầu tư nuôi 3 con bò, 1 con trâu để lấy phân bón cho cây trồng.
Ông Lê Hồng Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hà cho biết, cây cam đã giúp nhiều hộ gia đình khá lên, góp phần phát triển và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm cam giấy Tiên Hà. Trên địa bàn có HTX Nông nghiệp Phước Hà đang cố gắng kết nối với nông dân trồng cam, đưa sản phẩm cam sạch của người dân đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.
“Cây cam giấy rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tiên Hà. Cam trồng ở đây ra quả to, mọng nước, đẹp nên thương lái rất thích. Ông Nhân là một trong những hộ trồng cam điển hình của xã Tiên Hà. Từ hiệu quả mang lại của vườn cam này, thời gian tới, chúng tôi vận động nông dân đến tham quan, học hỏi mở rộng diện tích trồng cam giấy để tăng thu nhập” - ông Phong nói.
Theo thống kê của xã Tiên Hà, hiện trên địa bàn người dân đã đầu tư trồng hơn 20ha cam giấy. Riêng tại thôn Tiên Tráng chiếm đến 15ha, với khoảng 8.000 gốc, trong đó khoảng 10ha cam giấy đã cho thu hoạch, bình quân mỗi năm thu khoảng 23 - 27 tấn quả.
Với giá bán tại vườn dao động 15 - 20 nghìn đồng/kg, nhiều hộ nông dân trồng cam ở Tiên Hà có mức thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu đồng trong năm nhờ cây cam. Hiện sản phẩm cam giấy Tiên Hà tham gia đăng ký Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), được UBND tỉnh đánh giá 3 sao và sản phẩm cam giấy Tiên Hà sấy dẻo đạt 4 sao.