Gắn bó với nghề làm bún khô đã giúp vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhơn (thôn Phú Văn, xã Tam Thành, Phú Ninh) phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Nhiều năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Nhơn loay hoay mãi vẫn bấp bênh đầu ra cho sản phẩm bún tươi. Nhận thấy sản xuất bún khô có tiềm năng kinh tế, lại được thị trường ưa chuộng bởi giá thành rẻ, tiện lợi và có thể để được lâu nên vợ chồng ông Nhơn chọn làm hướng đi mới.
“Tôi ra huyện Thăng Bình học hỏi kỹ thuật làm bún khô. Khi nắm được quy trình sản xuất thì mạnh dạn vay vốn để đầu tư thiết bị, máy móc mở cơ sở sản xuất bún khô tại nhà” - ông Nhơn cho hay.
Sản xuất bún khô đạt chuẩn đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật và phải có cái tâm với người tiêu dùng. Giai đoạn đầu, sợi bún làm ra cứ bị vón cục, dính cả vào nhau, sau bao mẻ thất bại ông Nhơn mới rút kinh nghiệm và nắm chắc kỹ thuật.
Máy móc luôn phải được vệ sinh thật sạch và khâu lựa chọn, ngâm rửa gạo luôn đúng tiêu chuẩn. Tất cả quy trình sản xuất đến khi đóng gói sản phẩm mất khoảng 48 giờ...
Có như vậy sợi bún làm ra đạt độ chín, giữ được màu trắng ngà và mùi thơm của gạo. Nhờ đó, sản phẩm bún khô của gia đình ông Nhơn ngày càng được tin dùng, nhiều người mua làm quà gửi đi khắp nơi.
Đối với vợ chồng ông Nhơn, nghề làm bún khô không chỉ giúp đem lại kinh tế gia đình mà còn mang tâm huyết mong muốn đặc sản của nông thôn trở thành thực phẩm ngon, hợp vệ sinh và bảo quản được lâu.
Trung bình mỗi ngày cơ sơ của gia đình ông Nhơn làm ra 100kg sản phẩm và bán hết ngay trong ngày; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về hơn 1 triệu đồng. Nhờ nghề làm bún khô mà kinh tế gia đình ông Nhơn ngày càng khấm khá, là gương hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.