Khám phá bí ẩn băng Nam cực

NAM VIỆT 22/02/2018 14:33

Các nhà khoa học vừa khởi hành chuyến đi khám phá những bí ẩn dưới lớp băng Nam cực sau 120.000 năm.

Các nhà khoa học đang đua với thời gian để khám phá bí ẩn vùng Nam cực. Ảnh: Michael Studinger/NASA
Các nhà khoa học đang đua với thời gian để khám phá bí ẩn vùng Nam cực. Ảnh: Michael Studinger/NASA

Các tảng băng trôi khổng lồ tại vùng Nam cực đang tan chảy rất nhanh, đe dọa đến hệ sinh thái tại khu vực không có băng, đẩy mực nước biển dâng cao có khả năng nhấn chìm nhiều vùng đất ven biển và ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới. Mới đây nhất, các nhà khoa học xác nhận một tảng băng khổng lồ nặng 1.000 tỷ tấn đã hoàn toàn tách rời thềm băng Larsen C ở Nam cực vào tháng 7 năm ngoái, thông qua hình ảnh vệ tinh sau hơn một thập kỷ theo dõi. Tảng băng này có tên gọi A-68, diện tích hơn 6.000km2, gấp 4 lần thành phố London (Anh) và trở thành một trong những núi băng trôi lớn nhất lịch sử. Các chuyên gia nhận định chính những cơn gió mạnh do biến đổi khí hậu đang trở thành tác nhân hàng đầu khiến cho các tảng băng khổng lồ ở Nam cực tan nhanh.

Các nhà khoa học đại diện cho 9 cơ quan nghiên cứu riêng biệt, do Cơ quan khảo sát Nam cực của Anh quốc (British Antarctic Survey-BAS) dẫn đầu, đang đua với thời gian để khám phá hệ sinh thái bí ẩn dưới thềm băng Larsen C trước khi chúng được chuyển đổi khi tiếp xúc với ánh sáng lần đầu tiên sau 120.000 năm kể từ tháng 7.2017. Nhà sinh học biển đồng thời trưởng nhóm các nhà khoa học BAS đến Nam Cực lần này - bà Katrin Linse cho biết, đoàn đang trên trên hành trình vượt biển để trong vòng một tuần tới có thể đến Nam cực. “Cuộc khám phá rất thú vị, là cơ hội độc đáo để nghiên cứu sự sinh tồn của hệ sinh thái, sinh vật biển trong môi trường, thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Điều cần thiết là chúng tôi phải đến đó một cách sớm nhất có thể trước khi môi trường dưới đáy biển thay đổi khi ánh sáng và nhiều loài mới bắt đầu xâm lấn. Đây hứa hẹn mang lại những khám phá khoa học rất quan trọng” - bà bà Katrin Linse nói. Được biết trong chuyến đi 3 tuần, các nhà nghiên cứu sẽ thu thập những mẫu động vật biển, vi khuẩn, sinh vật phù du, trầm tích, mẫu nước, ghi lại làm bằng chứng về động vật có vú sống ở biển hoặc chim đã di cư đến vùng nước biển.

Trước đó vào năm ngoái, nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Princeton  bang Washington (Mỹ) phát hiện một hố đen lớn ở Nam cực, một hiện tượng bất thường và đang tìm kiếm nguyên nhân. Ngoài ra, một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia cho thấy tồn tại những sinh vật sinh sống và phát triển bí mật trong những động băng ở Nam cực như tảo, rêu, các loài động vật nhỏ và có thể tồn tại những chủng loài động thực vật chưa từng có từ trước đến nay. Các nhà khoa học khẳng định, chúng ta vẫn thường cho rằng trong môi trường không có ánh mặt trời, không có không khí thì các sinh vật không thể tồn tại. Nhưng thực tế, khu vực này vẫn tồn tại các sinh vật đơn bào và phát triển rất mạnh mẽ. Tuy các nhà khoa học cảnh báo mặc dù chưa có bằng chứng về chất độc ở Nam cực nhưng cho biết đã xuất hiện các rác thải độc ảnh hưởng môi trường biển tại đây. Bên cạnh đó, dưới lớp băng khổng lồ ở vùng Bắc cực cũng ẩn chứa một chất cực độc, nếu thoát ra bên ngoài sẽ đe dọa đến cuộc sống của nhân loại.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khám phá bí ẩn băng Nam cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO