Phong cảnh, đời sống tươi đẹp nơi đại ngàn Trường Sơn như được mở ra trước mắt du khách qua những hoa văn, họa tiết độc đáo trên tấm zèng (thổ cẩm) ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).
Nghệ thuật và nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2016.
Hoa văn là thế giới quanh mình
Mân mê hồi lâu tấm zèng, chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, một du khách đến từ TP.Đà Nẵng) ướm hỏi Giám đốc HTX Thổ cẩm xanh Azakooh Blup Thị Hà ý nghĩa của những hoa văn, họa tiết trên tấm vải.
“Tôi nhìn ngắm và liên tưởng những tam giác liên tiếp nhau là cảnh núi đồi trập trùng. Còn kia là hình ảnh của một người đàn ông đang trong động tác giơ tay lên trời, có vẻ như đang nhảy múa…”, chị Hương phỏng đoán.
Và đúng như du khách nhìn thấy, chị Blup Thị Hà cho biết, sản phẩm dệt zèng của đồng bào Tà Ôi có những hoa văn được cách điệu từ cái nhìn trực quan đối với thế giới xung quanh.
“Là một nghề được truyền đời nên hoa văn, họa tiết cũng được các thế hệ lưu giữ, trở thành mô típ trang trí trên mỗi tấm vải zèng có từ xa xưa” - chị Hà nói.
Theo nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong, mỗi hoa văn đều mang ý nghĩa riêng của nó, góp phần vẽ nên nét hoa văn chung trong mỹ thuật Tà Ôi.
Ông Phong cho hay, trên trang phục của người Tà Ôi, người thợ dệt đã sử dụng 3 loại hình chủ yếu là: hình tam giác (4 kiểu); hình con thoi (2 kiểu); hình đường thẳng (1 kiểu).
“Với 3 loại hình, 7 kiểu, tuy ít nhưng người xem không thấy chán, không thấy sự đơn điệu mà cảm nhận và lắng nghe được sự rung rinh của hoa lá, những vui nhộn của hình người nhảy múa, sự ríu rít ồn ào của chim muôn thú rừng”, ông Phong đánh giá.
Từ những nghiên cứu của mình, ông Phong đã phân chia các loại hoa văn trang trí thành 5 phức hệ với 76 hoa văn khác nhau trên vải zèng, bao gồm: động vật, thực vật, đồ vật, con người, thế giới quan.
Mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tour, tuyến du lịch cũng hình thành, góp phần phát triển bền vững nghề dệt zèng. Các sản phẩm dệt mang đậm bản sắc đang là một trong những mặt hàng được nhiều khách du lịch đến A Lưới yêu thích.
“Lên đời” cho zèng
Nghệ nhân Mai Thị Hợp nói, những hình ảnh thường được chọn để dệt trên khung vải của người Tà Ôi, là xương cá, con nhện, con dơi, chim trĩ, bươm bướm. Hoa văn thực vật đa dạng với cây đoác, cây dương xỉ, cây măng giang...cùng hình ảnh tượng trưng của nhà dài, nhà rông, cầu thang, hàng rào, bàn chông…
Đặc biệt, người Tà Ôi luôn bày tỏ khát khao có sự giao thoa giữa đất trời - con người, con người - thần linh nên hình ảnh ngôi sao hoặc chòm sao luôn luôn xuất hiện trên những tấm zèng. Dễ thấy nhất là loại 4 hình thoi xếp với nhau thành hình vuông; 4 hình thoi xếp kề nhau thành một đường thẳng…
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VH-TT huyện A Lưới cho biết, điểm độc đáo của zèng là ngay từ khi đụng vào khung cửi, người phụ nữ Tà Ôi đã hình dung để sắp xếp, tỉ mỉ xâu bằng tay các đường cườm màu trắng thành những hoa văn bật lên trên nền màu đen.
Và để zèng đến với đông đảo người dùng hơn, Giám đốc HTX Thổ cẩm xanh Azakooh Blup Thị Hà đã có nhiều sáng tạo để biến zèng thành sản phẩm có giá thành vừa phải nhưng vẫn đậm chất văn hóa bản địa.
Cô đã tiếp thu những sáng tạo trước đó của mẹ - nghệ nhân dệt zèng nổi tiếng Mai Thị Hợp để làm tấm vải trở nên đa sắc, qua các sợi dệt có màu vàng, xanh nước biển, xanh lá cây…
Cô cũng khéo léo tạo những hoa văn mới, phù hợp với giá trị truyền thống. Năm 2021, HTX Thổ cẩm xanh thành lập với khoảng 120 người, chia thành tổ dệt zèng và tổ gia công sản phẩm. HTX đã sáng tạo ra khoảng 30 sản phẩm để làm quà lưu niệm.
Những cái kéo thoi nhẹ nhàng dần vẽ nên bức tranh về đại ngàn hùng vĩ mà không cần một nét kẻ hay phác thảo nào.
“Chỉ 3 màu chủ đạo đỏ, đen, trắng hoặc điểm xuyết màu xanh, tím…, tấm zèng di sản đã khéo léo khắc họa những hình ảnh gần gũi của đại ngàn A Lưới nơi quần cư các dân tộc thiểu số Cơ Tu, Pa Kôh, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hy. Nhìn mỗi tấm zèng, du khách tha hồ tưởng tượng nhưng khung cảnh nên thơ của núi đồi, cảnh đồng bào vui hội nhảy múa hay muông thú nhẩn nha giữa rừng già…”, bà Thêm nói.