Khám phá Đông Giang

ĐẶNG TRƯƠNG 22/05/2020 04:44

Vài năm trở lại đây, Đông Giang là cái tên khá quen thuộc với du khách nhờ biết khai thác những thế mạnh về văn hóa bản địa cũng như thắng cảnh để phát triển du lịch.  

Du khách trải nghiệm vẻ đẹp yên bình của Nông trường chè Quyết Thắng. Ảnh:Đ.T
Du khách trải nghiệm vẻ đẹp yên bình của Nông trường chè Quyết Thắng. Ảnh:Đ.T

Nông trường chè Quyết Thắng (xã Sông Kôn) một sớm mai bày ra trước mắt chúng tôi khung cảnh thiên nhiên mênh mông sương trắng. Ngày mới vừa bắt đầu, chúng tôi đã gặp chị Lê Thị Thảo (quê Thanh Hóa) và những người bạn của chị đang chiêm ngưỡng cảnh đẹp đồi chè và tận hưởng không gian bình yên, không khí trong lành của cao nguyên Đông Giang...

Từ Thanh Hóa, chị Thảo tìm hiểu thông tin trên mạng và quyết định vào Đông Giang du lịch. May mắn cho nhóm chị Thảo vì dịp này họ được gặp nhà thơ Nguyễn Cường (bút danh Đông Phước Hồ), người miền quê Tiên Phước nhưng đã có mười mấy năm gắn bó với nghề dạy học ở Đông Giang. Thế là Nguyễn Cường trở thành hướng dẫn viên khá am tường về đất và người Đông Giang cho những vị khách xứ Thanh.

“Tôi biết các bạn sẽ rất thích thú với vùng đất này, Nông trường chè Quyết Thắng chỉ là điểm đến đầu tiên trên hành trình khám phá Đông Giang, còn biết bao điều thú vị đang chờ ở phía trước, nơi những bản làng Cơ Tu ẩn hiện trong màu xanh của núi rừng…” - anh Cường nói.

Mấy năm gần đây, đồi chè Nông trường Quyết Thắng trở thành điểm đến hấp dẫn. Dạo chơi ven đồi, tận tay hái lá chè non xanh hay tìm kiếm khoảnh khắc đẹp cho niềm vui hạnh phúc lứa đôi… là những trải nghiệm thú vị của nhiều du khách khi đặt chân đến nơi này. Chính vì thế, Nông trường chè Quyết Thắng được xem như một điểm nhấn trong hành trình du lịch khám phá Đông Giang.

“Tôi cảm nhận vùng đất này vừa có những cái nguyên sơ của núi rừng với màu xanh bạt ngàn trải dài ra trước mắt mình, và nông trường cũng cho tôi thêm cảm nhận về sự đổi thay từng ngày của cuộc sống người dân bản địa” - chị Thảo nói.        

Rời đồi chè Nông trường Quyết Thắng, chúng tôi theo chân chị Thảo và nhóm bạn của chị đến thăm nhà già làng Y Kông ở thôn Tống Cói, xã Ba, người được ví như cây đại thụ trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa đồng bào Cơ Tu nơi núi rừng miền tây xứ Quảng.

Từ khi nghỉ hưu, già Y Kông chuyên chú sưu tầm, phục chế các loại nhạc cụ, vật dụng, trang phục, thổ cẩm, hạt cườm, mã não, chiêng ché…, biến ngôi nhà của mình thành một bảo tàng nhỏ. Khách đến với ngôi nhà moong của già Y Kông, ngoài việc được thăm thú, ngắm nghía những hiện vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, còn được nghe chính ông đánh đàn, thổi kèn rất điệu nghệ.

Già Y Kông chơi được hầu hết nhạc cụ của đồng bào mình. Chính vì thế, chúng tôi bắt gặp cảnh các vị khách nước ngoài say sưa ngồi nghe ông trình diễn âm nhạc dưới mái hiên nhà. Trong câu chuyện với khách, ông luôn trăn trở về sự mai một của văn hóa Cơ Tu, sự thờ ơ của lớp trẻ với văn hóa dân tộc mình. Ông cho rằng làm du lịch từ chính những giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu và khai thác thế mạnh đang có từ miền xanh thẳm của Đông Giang… là cách để vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Già Y Kông nói: “Nhiều năm nay, nhà tôi đã đón hàng mấy trăm lượt khách du lịch nước ngoài đến tham quan. Sức tôi chỉ làm được những điều nho nhỏ, sưu tầm cũng không hết được các hiện vật truyền thống của đồng bào mình. Tôi nghĩ, đồng bào mình chưa biết làm, nếu làm được thì cái gì cũng quý, cũng có giá trị, từ dệt thổ cẩm, đan lát giỏ, gùi…, du khách thấy lạ, thích thì mua làm kỷ niệm. Những cái này cần phát huy để vừa phát triển kinh tế vừa gìn giữ vốn quý dân tộc mình…”.

Già Y Kông còn đinh ninh, muốn làm tốt du lịch thì cần thiết phải xây dựng, đào tạo đội ngũ nghệ nhân cho hoạt động này, nhất là các nghệ nhân trẻ. Trang bị cho lớp trẻ những hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống dân tộc, từ đó mới có lực lượng nòng cốt làm du lịch.                       

Từ chính câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu đưa vào làm du lịch của những người như già làng Y Kông, những năm gần đây, chính quyền huyện Đông Giang đã quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế du lịch từ những lợi thế sẵn có của địa phương.

Bà Ating Thị Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang biết: “Đông Giang luôn mong muốn các nhà đầu tư du lịch xây dựng nhiều homestay để đảm bảo khách lưu trú và khám phá nét đẹp văn hóa - truyền thống và vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây. Từ đó chúng tôi cũng muốn tạo nên chuỗi liên kết phát triển du lịch ba địa phương Đông Giang - Tây Giang và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đủ sức níu chân du khách đến với vùng đất Đông Giang. Từ mái gươl làng, ngôi nhà chung gắn kết cộng đồng cho đến những lễ hội truyền thống, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể…, tất cả đều sẽ trở nên hấp dẫn và lạ lẫm trong mắt du khách nếu được phát huy đúng giá trị. Hy vọng cao nguyên Đông Giang kỳ thú với bạt ngàn màu xanh của chè, của rừng và sắc màu văn hóa Cơ Tu sẽ tiếp tục mời gọi và níu chân du khách trong tương lai.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khám phá Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO