Có diện tích gần 500ha với hàng trăm cây cổ thụ chu vi gốc đến vài người ôm cùng hệ động thực vật phong phú, rừng di sản pơ mu Tây Giang (thuộc địa bàn 2 xã Tr’Hy và A Xan) đang trở thành hấp lực với nhiều du khách, nhất là những “phượt thủ”.
Khám phá rừng pơ mu sẽ mang đến cho khách những trải nghiệm bất ngờ thú vị. |
Khám phá rừng pơ mu là chặng hành trình đầy gian nan nhưng không kém phần hấp dẫn. Từ trung tâm hành chính huyện Tây Giang, để đến được trung tâm rừng pơ mu khách phải đi gần 40 cây số đường núi. Trên cung đường quanh co qua các xã vùng cao, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc của những địa danh như Đỉnh Quế, ruộng bậc thang A Xan, men qua nhiều cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, ngắm những đỉnh núi mờ sương mây phủ; được hòa cùng đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu…
Ấn tượng mạnh mẽ nhất của khách chính là con đường đất từ Trạm Kiểm lâm bảo vệ rừng A Xan vào trung tâm rừng pơ mu dài chừng 6 cây số, đoạn đường được mệnh danh là “con đường đau khổ” vì hiểm trở. Vào những ngày mưa, đường trơn trợt, nên để vào trung tâm rừng chỉ có cách đi xe chuyên dụng hoặc lội bộ; ít ai có đủ can đảm để ngồi xe máy vượt cung đường này. Qua “con đường đau khổ”, hiện ra trước mắt khách là ngôi làng với gần chục gươl bình yên dưới tán rừng.
Càng tuyệt vời hơn khi lưu trú trong những gươl sau chuyến hành trình đầy vất vả. Khách sẽ sảng khoái khi được hít thở bầu không khí trong lành. Tuy đang mùa hè nhưng khách vẫn cảm nhận như lạc vào một Đà Lạt, Sa Pa hay Bà Nà thu nhỏ để nghe cái se lạnh thấm dần vào da thịt. Chợt thấy trào dâng một tâm thế vô thường khi chỉ còn lại nơi đây là tiếng suối chảy, tiếng chim hót và tiếng thú lạc gọi bầy. Bạn thoát ra những cuộc điện đàm công việc, những facebook, zalo, vì khu rừng không có sóng điện thoại và internet. Để rồi ai cũng thấy như mình trở lại với chính mình, hòa nhập với thiên nhiên sau bao thời gian phụ thuộc quá nhiều vào nhịp sống công nghệ. Có lẽ vì thế mà dù cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, điểm đến này vẫn hấp dẫn bước chân “phượt thủ” tìm về. Họ lội xuyên rừng và ngỡ ngàng trước những cây pơ mu cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tận hưởng cảm giác nồng nàn của hương nhựa pơ mu lan tỏa trong không khí vào mỗi chiều và nghe các già làng kể câu chuyện giữ rừng mang đậm tính nhân văn gắn với phong tục tập quán đồng bào dân tộc Cơ Tu qua hàng bao thế hệ nay vẫn còn nguyên giá trị. Rừng vẫn luôn bí ẩn nhưng cũng rất gần gũi với người dân nơi đây.
Theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu xã A Xan, pơ mu là loài cây linh thiêng, gắn liền với đời sống tâm linh của làng. Ngày xưa gỗ pơ mu chỉ được dùng làm hòm và nhà mồ cho người chết, tuyệt đối không được dùng làm nhà vì kiêng cử, nhưng không phải vì thế mà ai cũng có thể tự tiện vào rừng đốn gỗ, tất cả đều phải xin phép làng, người nào vi phạm sẽ bị làng phạt nặng. Đặc biệt, trước khi vào rừng lấy gỗ, người xin phải có mâm cúng rừng với lễ vật gồm gà, heo để tránh bị thần rừng quở phạt. Và như thế, chỉ những người giàu mới có thể đủ tiền sắm lễ và thuê người lên rừng đốn gỗ mang về. Cùng với đó là những câu chuyện linh thiêng về thần rừng, ma rừng khiến người dân không ai dám vào rừng một mình, dù là ban ngày. Chính những điều này đã góp phần giúp khu rừng qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Kể từ ngày 10.5.2016, khi 725/1.366 cây pơ mu trong khu rừng được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản, khu rừng đã đón nhận khá nhiều sự quan tâm của du khách và các “phượt thủ”. Nhiều kế hoạch, ý tưởng phát triển du lịch rừng pơ mu cũng đã được UBND huyện Tây Giang triển khai như đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ, mở lối tham quan trong rừng, kể cả ý tưởng làm nhà chòi trên cây pơ mu cho khách trải nghiệm cũng đang được tính tới… Tất cả hướng đến mục tiêu phát triển rừng di sản pơ mu trở thành điểm tham quan nghỉ dưỡng độc đáo không chỉ ở Quảng Nam mà cả khu vực miền Trung.
Rừng pơ mu đang giang rộng vòng tay đón chào.
Hãy vác ba lô lên đường và tận hưởng cảm giác của tự do giữa đại ngàn.
VĨNH LỘC