Việc ba hành tinh vừa mới được phát hiện thu hút sự chú ý trong lĩnh vực khoa học thế giới, mở ra khả năng tìm được dấu vết sự sống ngoài hành tinh.
Ba hành tinh vừa được phát hiện được xem là nơi tốt nhất để bắt đầu tìm kiếm về sự sống ngoài hành tinh. |
Tạp chí khoa học hàng đầu thế giới - Nature của Mỹ số ra đầu tuần này đăng tải công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không gian về việc ba hành tinh có thể có sự sống ngoài Thái Dương hệ. Ba hành tinh này nằm trên quỹ đạo của một ngôi sao “lùn”, lạnh và đỏ hơn mặt trời, có kích thước và nhiệt độ như trái đất và sao Kim, cách trái đất khoảng 39 năm ánh sáng, được đặt tên là TRAPPIST-1. Nhóm nghiên cứu thuộc các nhà khoa học trường Đại học Cambridge (Anh) và nhà nghiên cứu Michael Gillon hiện công tác tại Đại học Liège, Bỉ.
Kết quả nêu trên làm tăng thêm sức nóng trong hành trình nghiên cứu, khám phá khoa học không gian luôn được thế giới quan tâm nhằm tìm ra những bí mật xung quanh sự sống của nhân loại, trong đó có hay không sự sống ngoài hành tinh. Đáng chú ý, khi ba hành tinh vừa phát hiện đều tương tự như trái đất nhưng lại nằm trên quỹ đạo của một ngôi sao nhỏ. Điều này từ trước đến nay không được biết đến nên việc tìm kiếm các hành tinh có thể có sự sống cho tới nay thường tập trung vào khu vực chung quanh các ngôi sao lớn hơn, giống như là mặt trời.
Theo các nhà nghiên cứu, trong ba hành tinh nằm trên quỹ đạo ngôi sao TRAPPIST-1, có một hành tinh nằm ở khu vực không quá nóng, không quá lạnh, nhờ vậy mà nước có thể được giữ ở thể lỏng, cho phép phát triển một dạng sự sống giống như trên trái đất. Hai hành tinh còn lại nằm gần ngôi sao hơn, có nhiệt độ nóng hơn nhiều, nhưng vẫn có những vùng mà sự sống có thể phát triển. Theo BBCnews, các nhà khoa học đã dùng kính thiên văn ở trạm quan sát La Silla đặt tại Chile thuộc Đài quan sát Nam Âu để theo dõi một ngôi sao có tên TRAPPIST-1 nằm trong chòm sao có tên Bảo Bình. Sau một thời gian quan sát, họ phát hiện thấy ngôi sao TRAPPIST-1 mờ nhẹ đều đặn theo một khoảng thời gian, một dấu hiệu chứng tỏ có vài vật thể đang đi ngang qua giữa ngôi sao này và trái đất. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích chi tiết và phát hiện ba hành tinh có cùng kích cỡ với trái đất quay quanh TRAPPIST-1. TRAPPIST-1 chỉ bằng 8% kích cỡ mặt trời. Khoảng cách giữa các hành tinh và ngôi sao đủ để có thể hình thành các yếu tố tạo nên sự sống.
Giáo sư Michael Gillon khẳng định, nếu muốn tìm kiếm sự sống ở một nơi nào khác trong vũ trụ hay ngoài trái đất thì chính ba hành tinh vừa được phát hiện này là nơi tốt nhất để bắt đầu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm về trọng lượng, các đặc tính của bầu khí quyển nếu có. Các nhà khoa học hy vọng sớm đạt được kết quả nghiên cứu nhờ công nghệ tiên tiến hiện nay, nhất là viễn vọng kính không gian James Webb sẽ được phóng lên vũ trụ vào tháng 10.2018. Hiện James Webb là kính thiên văn không gian lớn nhất từng được chế tạo. Với thấu kính chính đường kính 6,5m, nó sẽ thấy được những tia hồng ngoại từ khoảng cách có thể lên đến 13,5 tỷ năm ánh sáng, cho phép các nhà khoa học thấy được khoảnh khắc sơ khai của vũ trụ.
QUỐC HƯNG