Khám phá Thăng Bình

VĨNH LỘC 25/02/2017 06:23

Sở hữu nhiều danh thắng cùng các giá trị văn hóa, lịch sử... Thăng Bình như miền lý tưởng của những hẹn hò du khách. Xây dựng chiến lược phát triển du lịch kết nối liên vùng đã trở thành hướng đi mới mẻ của chính quyền và người dân địa phương hiện nay.

Du lịch sinh thái, làng nghề ven sông Trường Giang. Ảnh: V.LỘC
Du lịch sinh thái, làng nghề ven sông Trường Giang. Ảnh: V.LỘC

Đa dạng từ nguồn đến biển

Nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh, Thăng Bình hội tụ nhiều yếu tố để phát triển du lịch. Ngoài những bãi biển hoang sơ ở Bình Minh, Bình Dương, Bình Hải, Bình Nam hay những thắng cảnh ao hồ Cao Ngạn, Đông Tiển, Phước Hà, Hố Thác, Hố Cam…, Thăng Bình còn được biết đến với Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương - một trung tâm Phật giáo lớn nhất của Vương quốc Champa xưa cũng như của Đông Nam Á; đó còn là sông Trường Giang, Ly Ly với những đầm phá chạy dọc theo biển. Tuy vậy, điểm nhấn hấp dẫn của Thăng Bình chính là biển Bình Minh, nơi có những bờ cát trắng mịn màng trải dài. Dưới cái nắng đầu mùa vẫn cảm nhận được sự mát dịu của rừng dương và màu xanh nước biển đầy mê hoặc. Lợi thế du lịch Thăng Bình còn là các lễ hội, làng nghề như lễ Cầu ngư, rước cộ Bà Chợ Được; nước mắm Cửa Khe, hương Quán Hương… cùng hàng chục di tích lịch sử cách mạng, văn hóa tiêu biểu.

Tiềm năng du lịch Thăng Bình khá phong phú từ sông, biển, di tích lịch sử, văn hóa đến làng nghề, ẩm thực… Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã đến thăm dò đầu tư. Nổi bật, phải kể đến dự án Khu nghỉ dưỡng Làng biển nhiệt đới Hội An (thôn Tân An, Bình Minh) tiêu chuẩn 4 sao, quy mô 108 phòng, do Công ty du lịch châu Á – Thái Bình Dương (Hà Nội) làm chủ. Dù tốc độ triển khai chưa như mong muốn nhưng vẫn hứa hẹn những đột phá trong xây dựng sản phẩm dịch vụ nơi đây, qua đó giúp thúc đẩy các dịch vụ du lịch quanh vùng, mở rộng không gian du lịch Thăng Bình lan tỏa đến các xã phía tây của huyện.

Ông Trương Công Hùng – Trưởng phòng VHTT huyện Thăng Bình - khẳng định, phát triển du lịch đang là hướng đi ưu tiên của địa phương. Điều này cũng được cụ thể hóa với Đề án phát triển du lịch Thăng Bình giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030 đã được huyện thông qua. Theo đó, du lịch Thăng Bình sẽ tập trung vào 4 nhóm sản phẩm gồm: du lịch biển; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch làng nghề truyền thống, làng quê và ẩm thực; du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng. “So với một vài địa phương khác trong tỉnh, Thăng Bình có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng vẫn chưa thể thu hút được các nhà đầu tư bởi kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế, chưa kể trong một thời gian dài việc phát triển du lịch vẫn chưa được nhiều cấp ngành, địa phương quan tâm. Nay với những điều kiện khách quan và chủ quan, hy vọng điều này sẽ thay đổi để đưa du lịch Thăng Bình phát triển” - ông Hùng nói.

Kết nối liên vùng

Theo ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, ngoài đầu tư hoàn thiện hạ tầng như xây dựng tuyến đường dân sinh vào khu phế tích Phật viện Đồng Dương hay phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề… thì việc xây dựng tour tuyến kết nối các điểm di tích, danh thắng, làng nghề cũng đang được huyện tập trung thực hiện. Đặc biệt, công tác quy hoạch, dự báo nhằm định hướng về quy mô, mức độ phát triển du lịch tại từng thời điểm dựa vào nguồn lực và tiềm năng của huyện một cách đồng bộ gắn với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa, giải quyết lao động và tăng thu nhập… đang là hướng đi mới được huyện triển khai. “Trên tinh thần Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, hiện tại Huyện ủy cũng đã ban hành dự thảo chương trình hành động về phát triển du lịch Thăng Bình đến năm 2025, đây sẽ là cơ sở thể hiện sự quyết tâm của địa phương trong việc thúc đẩy du lịch Thăng Bình thời gian tới” - ông Húy cho biết.

Dù có sự vào cuộc của các cấp chính quyền huyện nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, những năm qua việc đầu tư cho du lịch của Thăng Bình vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL - cho rằng, để đón đầu những cơ hội khi tuyến đường ven biển đã hoàn thành, nhất là việc triển khai các dự án du lịch phía nam Hội An, ngay từ bây giờ Thăng Bình cần chủ động trong xây dựng chiến lược phát triển du lịch địa phương, nhất là chú trọng nguồn nhân lực, dịch vụ, quy hoạch cũng như sản phẩm điểm đến… “Chắc chắn sẽ có sự lan tỏa khi các dự án du lịch ven biển đi vào hoạt động, nên ngay từ bây giờ Thăng Bình phải chủ động đón đầu, nhất là trong lĩnh vực lao động và hạ tầng. Trong đó, các bãi biển Thăng Bình, kể cả Duy Xuyên bên cạnh kêu gọi các dự án đầu tư cũng cần chú trọng xây dựng các bãi biển công cộng vừa tạo không gian nhưng cũng giúp nâng cao đời sống dân sinh nơi đây” - ông Hài khuyến nghị.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khám phá Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO