Để chủ động phòng chống dịch bệnh Ebola, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành các tài liệu chuyên môn kỹ thuật phục vụ việc giám sát, phòng chống, điều trị bệnh do vi rút Ebola. Đồng thời đề nghị các UBND tỉnh, thành phố trên cả nước khẩn cấp chỉ đạo các đơn vị, ban ngành liên quan chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, tính đến đầu tuần nay, đã ghi nhận tổng cộng 2.473 trường hợp mắc trong đó có 1.350 trường hợp tử vong tại 4 nước vùng Tây Phi gồm Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Đến nay, chưa có công dân Việt Nam nào bị nhiễm vi rút Ebola tại các nước trên. Số người Việt ở Guinea là nhiều nhất, khoảng 60 - 70 người. Các công dân chủ yếu làm nghề phụ bếp, nhà hàng và làm việc trên các tàu cá. Ngoài Guinea, tại Liberia có khoảng 20 người Việt Nam, Sierra Leone là 24 và Nigeria khoảng 12 người. Hiện nay tại Việt Nam chưa phát hiện người nhiễm vi rút Ebola. Việc giám sát người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch đang được thực hiện nghiêm túc. Ngành y tế đã đưa ra các biện pháp để có thể liên hệ với các hành khách như điện thoại, gửi email, đăng trên website (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt), liên hệ với công an xác định nơi lưu trú của hành khách để gặp gỡ tư vấn...
Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã yêu cầu, chỉ đạo các sở ban ngành có phương án, kế hoạch phòng chống dịch bệnh nguy hiểm Ebola. Chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc; đặc biệt là túi phòng hộ cá nhân, phương tiện vận chuyển riêng biệt cho các vùng cửa khẩu biên giới. Lưu ý các địa phương có du khách nước ngoài hiện nay là Hội An và Mỹ Sơn, phối hợp các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ người nhập cảnh. Đồng thời yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí trong tỉnh đưa tin chính xác về tình hình dịch bệnh, cơ chế lây bệnh, mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân không hoang mang, lo lắng.
A.T