|
(QNO) - Sáng nay 20.4, tại TP.Hội An, sau khi kiểm tra tình hình sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp với các sở ngành, TP.Hội An cùng các bên liên quan nhằm đánh giá thực trạng, tìm kiếm nguyên nhân và bàn giải pháp khẩn cấp kè biển Cửa Đại.
Sóng biển đã khoét thông qua bên kia đường. |
Từ cuối tháng 1.2018 do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh, kết hợp với triều cường đã làm nhiều đoạn kè mái taluy bằng tấm lát bê tông khu vực giữa khách sạn Sunrise và Fusion Alya (phường Cửa Đại, Hội An) bị hư hỏng, sụp đổ với tổng chiều dài khoảng 70m, ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng giao thông và khu dân cư cách đó không xa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành, nhà nghiên cứu đi khảo sát hiện trạng sạt lở. |
Ngoài những hố sạt lở lớn, rộng 30 - 50m2, còn xuất hiện gần 10 điểm rạn nứt, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là sóng đã khoét hàm ếch sâu vào bờ hàng chục mét, đe dọa trực tiếp toàn bộ tuyến đường bê tông bên trên và đường Âu Cơ nếu không có giải pháp kịp thời.
Tình trạng sạt lở tại bờ kè đã đến mức báo động. |
Qua khảo sát của đơn vị tư vấn, hiện phần thân toàn tuyến đã bị rỗng, khoảng cách giữa tấm lát thân kè và phần đất thân kè 0,8 - 2,8m; những vị trí mái kè bị sụt lún thì độ rỗng khoảng 3m, gây mất an toàn cho tuyến kè. Đặc biệt, gần đây đã xuất hiện thêm 2 vị trí sụt lún và nứt gãy thân kè hoàn toàn với chiều dài dọc thân kè khoảng 60m. Nghiêm trọng nhất là tại vị trí có tuyến cáp ngầm cấp điện cho Cù Lao Chàm. Trước tình trạng trên, TP.Hội An đã xử lý bằng các túi bao địa lớn. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường gây nên sóng mạnh tác động vào những chỗ chưa gia cố khiến nhiều đoạn kè bị đánh sập.
Vấn đề quan trọng nhất là phải xác định được nguyên nhân để đề ra giải pháp kè chống. |
Theo đơn vị tư vấn, nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún bờ kè chủ yếu do tác động của sóng và dòng chảy dọc chân kè dẫn đến chân kè bị đào; khu vực kè không hội tụ cát; thiết kế kè không chống được sóng triệt để. Ngoài ra do công trình vùng mực nước thường xuyên thay đổi dưới tác động của dòng chảy, sóng gió liên tục; trong môi trường có chứa nhiều tác nhân làm hư hại bê tông như axit, sunphate, clo…, đặc biệt sunphate, clo là những tác nhân nguy hiểm phá hoại bê tông một cách nhanh chóng.
Nhiều hố sạt lở rộng lên đến gần 50m2. |
Về lâu dài phải nuôi bãi để hạn chế tình trạng sạt lở. |
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, nguyên nhân sụt lún có thể do từ khâu thiết kế không phù hợp dẫn đến dễ bị xói mòn, hư hỏng. Đồng thời cũng không loại trừ trong quá trình thi công địa chất một số chỗ không tốt, dẫn đến sóng đánh vào lâu ngày sụt lở cục bộ, ảnh hưởng chân kè bị sai lệch... Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề kè biển nói chung và khu vực của TP.Hội An nói riêng là một vấn đề phức tạp, phải nhìn đến toàn cục quá trình sạt lở ở bờ biển Hội An đang diễn ra. Dù vậy, cũng phải tranh thủ xử lý khẩn cấp vấn đề sạt lở ngay trong mùa khô, đáp ứng yêu cầu trước mắt, nếu không sẽ phá hỏng toàn bộ 714m toàn tuyến của bờ kè.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo việc kè chắn phải hoàn thành trước tháng 9 năm nay. |
“Trước mắt, phải xử lý ngay vì qua tháng 9 đã bước vào mùa mưa bão rồi. Thứ hai, phải tính toán giải pháp lâu dài là làm mỏ hàn để tạo bãi, nuôi bãi giảm năng lượng sóng khi vào đến khu vực kè. Ngoài ra, phải có sự quan trắc không chỉ trên khu vực của thân kè mà quan trắc để đánh giá diễn biến khu vực gần bờ ít nhất bên ngoài 100m trở lại. Đồng thời tính toán thêm dòng chảy ven bờ, lấy kết quả nghiên cứu hôm nay cùng với các kết quả nghiên cứu từ các nhóm tư vấn của Pháp và các tổ chức trước đây, kết hợp hai dữ liệu lại để đưa ra những đánh giá phù hợp. Từ đó đề xuất giải pháp thiết kế, tính toán phù hợp với khu vực Hội An” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo.
KHÁNH LINH - MINH HẢI