Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại phiên họp với các ngành liên quan, chính quyền một số địa phương (diễn ra chiều qua 27.2) để triển khai cấp bách những biện pháp phòng chống, dập tắt dịch lở mồm long móng (LMLM) và khống chế, ngăn chặn dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xâm nhiễm vào địa bàn Quảng Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VĂN SỰ |
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, cuối tháng 12.2018 đến nay, bệnh LMLM đã và đang xảy ra tại 117 hộ chăn nuôi ở 40 thôn thuộc 23 xã, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước. Cạnh đó, bệnh LMLM còn được phát hiện ở cơ sở giết mổ gia súc tập trung Núi Thành của huyện Núi Thành. Theo thống kê, tổng số gia súc mắc bệnh là 845 con (71 con trâu, 98 con bò, 676 con heo). Trong đó, số gia súc mắc bệnh chết, phải tiêu hủy bắt buộc là 366 con (3 con bò, 363 con heo). Tính đến chiều qua 27.2, số gia súc đang còn theo dõi bệnh là 107 con (32 con trâu, 48 con bò, 27 con heo) ở 7 xã/16 xã có gia súc mắc bệnh chưa qua 21 ngày, gồm Đại Lộc (6 xã), Tam Kỳ (1 xã), Quế Sơn (2 xã), Phước Sơn (1 xã), Điện Bàn (2 xã), Thăng Bình (2 xã), Hiệp Đức (1 xã), Tiên Phước (1 xã).
Theo ông Nguyễn Thành Nam, khác với các đợt dịch LMLM của những năm trước, đợt dịch này xuất hiện chủ yếu trên heo (chiếm 80%), trên bò (chiếm 11,6%) và trên trâu (chiếm 8,4%). Ông Nam cho rằng, nguyên nhân khiến dịch tái bùng phát là đàn trâu, bò tiêm phòng vắc xin LMLM đợt 2 năm 2018 đến nay đã hết thời hạn miễn dịch. Trong khi đó, trên đàn heo hầu hết không được phòng bệnh bằng vắc xin LMLM, kể cả heo nái và heo đực giống. Nhiều nhân viên thú y chữa trị bệnh cho vật nuôi không có chứng chỉ hành nghề theo quy định; không thực hiện vệ sinh, khử trùng trước và sau khi vào, ra khỏi chuồng nuôi của từng hộ gia đình; không khai báo bệnh với chính quyền địa phương làm lây lan dịch...
Trong khi đó, theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu tháng 2.2019 đến nay bệnh DTHCP đã xuất hiện tại 4 tỉnh, thành gồm Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng khiến hàng trăm con heo bị mắc bệnh, phải tiêu hủy khẩn cấp. Ông Nguyễn Thành Nam cho hay, bệnh DTHCP là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi loại heo, tỷ lệ chết lên đến 100%.
Tập trung đối phó
Trước nguy cơ bệnh DTHCP lây lan vào địa bàn Quảng Nam, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTHCP và chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Đồng thời ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với bệnh DTHCP. Sở NN&PTNT đã thành lập các đoàn công tác đến nhiều địa phương phối hợp hướng dẫn, đôn đốc công tác tổ chức phòng, ngăn chặn bệnh DTHCP. Chi cục Chăn nuôi & thú y cũng đã phối hợp với Công ty CP Greenfeed Việt Nam - Chi nhánh Bình Định tổ chức nhiều cuộc hội thảo và các lớp tập huấn về phòng, chống bệnh DTHCP tại Điện Bàn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, Hiệp Đức. “Cơ quan thú y tỉnh cũng đã phối hợp với chính quyền 4 địa phương gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Hiệp Đức lấy 7 mẫu phủ tạng trên heo mắc bệnh để xét nghiệm vi rút gây bệnh DTHCP, tai xanh, dịch tả heo cổ điển. Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả 7 mẫu phủ tạng đều âm tính với 3 loại bệnh vừa nêu” – ông Nam nói.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương Tam Kỳ, Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc... đề nghị tỉnh nghiên cứu hỗ trợ thêm vắc xin và hóa chất để tiếp tục phục vụ công tác phòng, chống, dập dịch LMLM trên gia súc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Nam cho hay: “Hiện nay, nguồn hóa chất và vắc xin LMLM dự trữ để chống dịch của tỉnh đã hết. Trong khi đó, vắc xin LMLM của các Chương trình 30a, Chương trình quốc gia phòng chống bệnh LMLM và nguồn của tỉnh để phòng bệnh cho đàn gia súc đợt 1 năm 2019 chưa có. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác chống dịch”. Trước tình trạng đó, ông Nam đề nghị UBND tỉnh cho phép sử dụng vắc xin LMLM phòng bệnh định kỳ từ nguồn hỗ trợ đã được UBND tỉnh giao dự toán thu - chi ngân sách năm 2019 để tiêm phòng cho toàn bộ đàn heo giống và heo thịt của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các ngành, các cấp phải tổ chức thực hiện nghiêm Kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó bệnh DTHCP mà UBND tỉnh đã ban hành. Đối với dịch LMLM, cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để nhanh chóng khống chế, dập tắt mầm bệnh. Sở NN&PTNT và Sở Tài chính khẩn trương tham mưu UBND tỉnh xuất nguồn kinh phí mua đầy đủ nguồn hóa chất, vắc xin để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch LMLM một cách hiệu quả. Thiết lập 2 điểm chốt chặn tạm thời trên tuyến quốc lộ 1 ở 2 đầu của tỉnh (đặc biệt là phía Bắc) và bố trí lực lượng liên ngành túc trực thường xuyên để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn Quảng Nam, nhất là heo...
NGUYỄN SỰ