Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, tính đến ngày 22.10, toàn tỉnh có 66 ổ dịch được phát hiện, 1.867 trường hợp mắc sốt xuất huyết; ngành y tế đã và đang khẩn trương xử lý các ổ dịch đồng thời triển khai hoạt động phòng chống dịch lây lan.
Ghi ở Tây Giang
Tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, những ngày này y bác sĩ phải kê thêm giường bệnh ra hành lang mới có thể đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Từ khi xuất hiện ca mắc bệnh đầu tiên, đến thời điểm này Trung tâm Y tế huyện phát hiện, điều trị cho hơn 40 trường hợp bị sốt xuất huyết, nhiều nhất là bệnh nhân ở xã A Tiêng. Chị Hoàng Thị Hà, thôn Agrồng, xã A Tiêng đang được điều trị tích cực tại trung tâm cho hay: “Gia đình tôi có 4 người đều nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Trong thôn có nhiều người cũng bị bệnh này, ai bệnh nặng thì ở lại trung tâm điều trị, ai đỡ thì về nhà chứ không còn chỗ nằm nữa”.
Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến nhanh và phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân tại khu vực trung tâm hành chính huyện Tây Giang. Đã có 5 trường hợp bệnh nặng được Trung tâm Y tế huyện chuyển tuyến xuống Bệnh viện Đà Nẵng điều trị. Do vậy, huyện Tây Giang tích cực tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức tự phòng bệnh; không nên chủ quan, khi có biểu hiện sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Đồng thời triển khai cho các trạm y tế tại 10 xã trên địa bàn huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, chủ động dập dịch, không để bệnh sốt xuất huyết lan ra diện rộng.
Sở Y tế cũng đã cử cán bộ cùng với cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tây Giang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống. Trong đó, tăng cường phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy; tuyên truyền vận động người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường nơi có ổ dịch, đậy kín dụng cụ chứa nước, cần ngủ màn và mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày để tránh lây truyền dịch bệnh... Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành 3 đợt phun thuốc để dập dịch, trong đó có 2 đợt phun khu trú ở nơi có bệnh nhân sốt xuất huyết. Bên cạnh đó đã phun trên diện rộng khu vực trung tâm hành chính huyện và các xã lân cận.
Khẩn trương phòng chống
Số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, địa phương có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhiều nhất là thị xã Điện Bàn với 1.029 ca; huyện Thăng Bình 167 ca; TP.Hội An 156 ca; Duy Xuyên 155 ca. Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Trung tâm đang khẩn trương xử lý dịch tại 2 địa phương “nóng” nhất tỉnh là thị xã Điện Bàn và huyện Tây Giang. Tuy ở Tây Giang mới chỉ ghi nhận 44 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhưng đây là lần đầu tiên địa phương này xuất hiện bệnh với số ca mắc trải trên diện rộng. Trong đó, các xã có bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều là A Tiêng, Lăng và A Nông. Đối với thị xã Điện Bàn, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế phối hợp với UBND thị xã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết khẩn cấp, trong đó triển khai chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất trên quy mô toàn thị xã”.
Phun thuốc diệt muỗi tại các khu vực dân cư. |
Huyện Duy Xuyên cũng là địa phương ghi nhận số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cao với 155 trường hợp; bệnh xảy ra ở các xã trong huyện, đặc biệt ở các xã Duy Trung, thị trấn Nam Phước, Duy Trinh, Duy Hải. Khoa Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên đã phối hợp cùng với các Trạm Y tế xã tổ chức giám sát điều tra, phun và xử lý hóa chất tại 5 thôn ở các xã có tỷ lệ mắc và lưu hành bệnh cao. Đồng thời Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe tỉnh tổ chức buổi “Tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết” cho hơn 1.300 giáo viên và học sinh Trường THPT Sào Nam và tập huấn “phòng chống dịch bệnh” cho hơn 40 cán bộ y tế ở khoa, phòng và 14 xã, thị trấn về các kỹ năng cơ bản trong truyền thông trực tiếp, nói chuyện sức khỏe, lập kế hoạch cho một buổi truyền thông tại cộng đồng.
“Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm dễ gây thành dịch. Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Mỗi người dân cần chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà” - bác sĩ Huỳnh Công Quang khuyến cáo.
THÁI BÌNH - PHÚC VIỆT