(QNO) - “Không thể chậm trễ trong việc trùng tu Chùa Cầu” là ý kiến chung của nhiều ngành, cơ quan chức năng trong buổi làm việc giữa UBND TP.Hội An với đoàn công tác HĐND tỉnh và các sở ngành liên quan vào chiều qua 22.1.
Thời điểm “vàng”
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, công trình Chùa Cầu không chỉ là Di tích quốc gia đặc biệt, có lịch sử lâu đời mà còn mang tính biểu tượng cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Thời gian qua, trước thực trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Chùa Cầu, tỉnh và thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, bàn giải pháp trùng tu. UBND tỉnh cũng đã giao UBND thành phố làm chủ đầu tư, nhưng do nhiều yếu tố khách quan, trong đó có vấn đề kinh phí và một số ý kiến trái chiều từ truyền thông báo chí, đến nay dự án vẫn chưa thể thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, từ khi được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án, UBND thành phố đã lập báo cáo đề xuất đầu tư, chủ động lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan như Sở VH-TT&DL, Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), Văn phòng UNESCO Hà Nội, tổ chức JICA (Nhật Bản) trước khi trình phê duyệt.
Đặc biệt, trên cơ sở tờ trình của UBND TP.Hội An, ngày 24.10.2019 Sở KH-ĐT cũng đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh đồng ý bổ sung danh mục dự án trùng tu Chùa Cầu vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và khởi công mới năm 2020 để trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp cuối năm 2019. Kinh phí thực hiện dự án có thể huy động từ nguồn vốn ODA tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, trường hợp không huy động được vốn ODA thì thực hiện theo phương án ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, thành phố 50%, nhưng đến nay dự án vẫn chưa nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2021 nên không thể triển khai các bước tiếp theo.
Dự toán ban đầu, tổng vốn trùng tu Chùa Cầu khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên gặp trở ngại do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh phí thành phố khó khăn (năm 2020 thu ngân sách chỉ đạt hơn 40% kế hoạch). Đồng thời, HĐND tỉnh cũng đã đưa dự án trùng tu Chùa Cầu ra khỏi danh sách bố trí vốn năm 2020 do nguồn thu ngân sách sụt giảm.
Cuối năm 2020, TP.Hội An đã làm việc với tổ chức JICA đề nghị hỗ trợ kinh phí trùng tu Chùa Cầu nhưng không được do kế hoạch xây dựng ngân sách của JICA năm 2021 đã lập xong từ tháng 3.2020. Dù vậy, JICA cam kết sẽ cử chuyên gia tham gia trong quá trình trùng tu Chùa Cầu và hỗ trợ 10 triệu yên cho các chi phí của chuyên gia.
“Đây là thời điểm thuận lợi nhất để trùng tu Chùa Cầu vì ít khách tham quan không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động du lịch. Thành phố đề nghị UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh đưa dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2021” - ông Sơn nói.
Tạo mọi điều kiện để dự án thực hiện
Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, sở đã đề xuất UBND tỉnh bố trí dự án vào giai đoạn trung hạn 2021-2025 và đang chờ HĐND tỉnh thông qua, tuy nhiên do ngân sách năm 2021 đã phê duyệt nên phải chờ, có thể qua năm 2022.
Một số ý kiến phân tích, nếu đáp ứng các thủ tục, dự án được phê duyệt thì có thể bố trí ngân sách năm 2021. Do đó, trước mắt HĐND phải thông qua danh mục tại kỳ họp HĐND, khi có chủ trương đầu tư thì phê duyệt quyết định đầu tư và bố trí vốn.
Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, yêu cầu đặt ra với Chùa Cầu hiện nay là phải triển khai ngay công việc trùng tu trong năm 2021, do đó, UBND TP.Hội An phải tiếp tục có văn bản gửi Sở KH-ĐT đề nghị UBND tỉnh trình HĐND xem xét phê duyệt.
“Việc trùng tu Chùa Cầu không chỉ là nhiệm vụ mà còn gắn liền với trách nhiệm gìn giữ một di tích lịch sử quý giá nên phải làm ngay. Tôi sẽ có ý kiến với Thường trực HĐND tỉnh về vấn đề này. Chúng ta đã chuẩn bị và bàn tính quá lâu rồi, bây giờ là thời điểm thuận lợi nhất để trùng tu Chùa Cầu, không thể chậm trễ hơn nữa, bởi số tiền không phải là quá nhiều” - ông Đức quả quyết.
Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Chủ tịch HĐND TP.Hội An khẳng định, trong năm 2021 thành phố sẵn sàng bố trí 7 tỷ đồng vốn đối ứng (30% tổng vốn dự án) để triển khai dự án trước khi quá muộn vì Chùa Cầu đã xuống cấp rất nặng nề.
Chùa Cầu được người Nhật xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Kiến trúc gồm 2 thành phần là cầu và miếu thờ, có chức năng giao thông, thờ tự. Hiện tại, nhiều bộ phận kết cấu mố trụ đã bị rạn nứt, riêng phần đáy của các trụ bị xói lở khá nguy hiểm.
Bên cạnh đó, gỗ cũng đã mục mọt, ngói lợp bị xô, vỡ mục, ẩm rêu mốc… khiến di tích xuống cấp nhanh. Đặc biệt, phần chùa do đã lâu không được tu sửa cơ bản nên các liên kết lỏng lẻo, kết cấu mục nát, phải chống đỡ tạm cho khỏi đổ sụp. Ngoài ra, hệ mái ngói, hệ tường bao che, đắp vẽ cũng đã bị hư hại, nứt nẻ nặng nề…