"Khán Hoa Đình" và điểm son khoa bảng xứ Quảng

TRẦN VĂN THỌ 10/01/2016 05:49

Nguyên văn bài ký “Khán Hoa Đình”

“Tiểu Cao tôi bỉ lậu, quá trần tục, lại bổ làm án sát ở châu này, vì việc quan bận rộn, nào biết đến thú sơn thủy là vui, nên vẫn bảo: Ngoài sông Hương, không còn sông nào đáng kể.

Nay quan Chế đài Đào tướng công vâng lệnh đến trấn đất Nam Trung khí ẩm, chưa đến hạ đã nóng rồi. Lúc việc rảnh, tướng công cùng Tiểu Cao tôi chèo chiếc thuyền con dạo trên sông Điện, gặp nơi cảnh trí xinh đẹp ở phía bắc sông, nào cát trắng nước cạn, nào trúc rậm bóng im, mới gọi nơi này là “Thanh Lương Tân” chỉ kém sông Hương ở chỗ nước ngọt mà thôi, bèn trích một số tiền lương làm ngôi nhà mát.

Nhà làm xong, lại được tin ở Kinh cho biết kỳ thi Đinh năm nay ở châu ta có 3 người đậu giáp bảng, 2 ất bảng. Tướng công mừng rằng: “Nhà mát ta có tên rồi đó”. Hôm nay các vị tân khoa xem hoa ở Trường An, ngày mai vinh quy xem hoa ở cố hương, xong chúng ta sẽ mời các vị ấy vào đây mở tiệc “khuê giang”, làm tiệc tẩy trần, nhân đó để xem cảnh hoa trong mộng. Bèn đặt tên nhà mát là Khán Hoa Đình. Những ngày nắng như hun đốt, những đêm gió mát trăng thanh, xõa tóc ra để hứng lấy gió nam, khép lòng lại để trông dòng nước chảy. Ngẫm nỗi giang hà ngày càng thấp kém, cảm thấy phong khí ngày càng đổi thay, xem chim trống mái vãng lai trước ngọn thủy triều lên xuống. Có lúc lại mượn dòng nước trong rót chén trà thơm để khuây khỏa tâm tình bực dọc. Thế là cái đình này chính do tướng công tụ hội mà Tiểu Cao tôi đôi lúc mới hưởng ứng theo, lãnh hội một vài phân để tiêu tan nỗi bi tục ngày trước. Các vị thám hoa nghĩ sao?

Rượu ngà ngà say liền cầm bút ghi lại, nhân để tặng các chàng thám hoa đó”.

Sự ra đời của bài ký

Triều Thành Thái thứ 10 (1898), tỉnh Quảng Nam có 5 sĩ tử đỗ cùng khoa Mậu Tuất, trong đó có 3 tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn và 2 phó bảng là Ngô Chuân (hay Ngô Lý), Dương Hiển Tiến.

Lúc bấy giờ Tổng đốc Quảng Nam là Đào Tấn (người Bình Định) và Đốc học là Trần Đình Phong (quê Nghệ An) được tin này, cho đó là một vinh hạnh lớn của đất Quảng Nam, bèn lấy tích xưa đem ban cho 5 vị tân khoa. Gọi là Ngũ phụng tề phi (5 con phụng cùng bay).

“Ông Đào Tấn, hiệu là Mộng Mai, là người nổi tiếng thơ văn và giỏi hát bộ. Khi vào Quảng Nam giữ chức Tổng đốc, ông cho làm một cái nhà hát bên sông Vĩnh Điện, thường đến đó uống rượu, ngâm thơ; cũng có lúc đến đó xử đoán việc quan”.

Hay tin xứ Quảng có 5 vị vừa đỗ đại khoa, Đào Tấn đã nói với quan Án sát Quảng Nam là Nguyễn Văn Mại rằng: “Nhà hát chưa có tên, nay được tin mừng, ngày sau các ông tân khoa vinh quy, chúng ta nên đặt tiệc ở đó và đặt tên nhà hát là KHÁN HOA ĐÌNH”. Quan án làm cho một bài ký được không?.

Quan Án sát Nguyễn Văn Mại (1858 – 1945), tự là Tiểu Cao, hiệu Lô Giang, người làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đỗ thủ khoa năm 1884, ra làm quan năm 1887, đỗ phó bảng 1889, … theo đó đã viết một bài ký.

“Khi các ông tân khoa đến dự tiệc xong, ông Tổng đốc sức cho hát, cùng nhã nhạc, cờ trống để bài ký đưa cho ông Hội nguyên Trừng Giang Phạm Liệu….”.

Đó là lý do bài ký Khán Hoa Đình của ông Tiểu Cao ra đời. Cái nhà mát của Tổng đốc Đào Tấn ở bến “Thanh Lương Tân” trên sông Vĩnh Điện (nay thuộc thị xã Điện Bàn) đã trở thành nơi đón tiếp, chiêu đãi 5 vị tân khoa của xứ Quảng.

Bến Thanh Lương Tân nơi có “Đình khán hoa” (đình xem hoa) ngày xưa ở đoạn nào trên dòng sông Vĩnh Điện? Không rõ. Nhưng có một điều rất rõ là: Các vị quan lúc ấy ở Quảng Nam như Tổng đốc Đào Tấn, Đốc học Trần Đình Phong, Án sát Nguyễn Văn Mại rất trân trọng các vị tân khoa năm Mậu Tuất – những người đã tạo nên một điểm son của nền khoa bảng xứ Quảng.

--------------------------
Những đoạn trong dấu ngoặc kép dẫn theo “Lô Giang Tiểu Sử” của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại.

TRẦN VĂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Khán Hoa Đình" và điểm son khoa bảng xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO