Khẩn trương chống mặn xâm nhập

NGUYỄN SỰ 12/06/2014 08:59

Sau gần một tháng tạm lắng, hôm qua 11.6 mặn lại xâm nhập sâu vào sông Thu Bồn với nồng độ rất cao khiến trạm bơm điện 19.5 (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) phải ngưng hoạt động. Trước tình trạng đó, các đơn vị liên quan ở địa phương này đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chống hạn cho hàng trăm héc ta lúa non…

  • Mặn xâm nhập hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ cao
  • 4 tỷ đồng thực hiện công tác chống hạn và nhiễm mặn
  • Chống hạn cho vùng cuối kênh
  • Nạo vét, khơi thông dòng chảy, đảm bảo chống hạn
  • Sản xuất vụ hè thu: Nỗi lo khô hạn diện rộng
  • Thăng Bình: Hội thảo nghiên cứu các giống lúa chống chịu mặn và chịu phèn tốt
  • Hiệu quả từ đập bổi ngăn mặn
Vận hành các tổ máy chống hạn tại khu vực cầu 3.2 vào trưa hôm qua 11.6.Ảnh: Nguyễn Sự
Vận hành các tổ máy chống hạn tại khu vực cầu 3.2 vào trưa hôm qua 11.6.Ảnh: Nguyễn Sự

Mặn lại xâm nhập

Lúc 8 giờ 30 phút sáng qua 11.6, nồng độ mặn đo được trên sông Thu Bồn tại khu vực trạm bơm điện 19.5 lên đến 4,7 phần nghìn, buộc lực lượng thủy nông phải lập tức tắt tất cả các tổ máy của công trình thủy lợi trọng yếu này. Ông Lê Tấn Hướng - cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất & kinh doanh tổng hợp Duy Phước cho biết, trạm bơm 19.5 đảm nhận việc cung ứng nước tưới cho 400ha lúa trên địa bàn thôn Câu Lâu Tây, Lang Châu Bắc, Câu Lâu Đông, Mỹ Phước, Hà Nhuận, Triều Châu của xã Duy Phước và gần 100ha lúa khác ở một số vùng thuộc xã Duy Vinh. Ông Hướng nói: “Từ ngày 16.5 đến nay, nhờ các thủy điện phía thượng nguồn xả nước nên vùng hạ du sông Thu Bồn hết bị nhiễm mặn. Do vậy, nông dân đã gieo sạ được toàn bộ số diện tích lúa. Thế nhưng, sáng 11.6, mặn bất ngờ xâm nhập sâu vào tuyến sông này với nồng độ vượt mức cho phép rất nhiều lần nên chúng tôi phải ngưng vận hành trạm bơm 19.5. Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn mạ non, theo quy định thì khi nồng độ mặn trên 0,4 phần nghìn là tuyệt đối không được bơm nước tưới, vì nếu bơm chắc chắn sẽ dẫn đến ruộng lúa bị chết héo”.

120 triệu đồng khắc phục sự cố tại hồ chứa nước An Vang

Ông Nguyễn Tấn Phát – Phó phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, UBND huyện này vừa chi 120 triệu đồng hỗ trợ chính quyền xã Thăng Phước khắc phục sự cố tại hồ chứa nước An Vang. Với số tiền trên xã Thăng Phước tiến hành lắp đặt 150m đường ống sắt và ống nhựa loại lớn để đưa nước từ hồ chứa An Vang về tưới cho 3ha đất sản xuất lúa, hoa màu trên cánh đồng Cây Cau thuộc tổ 3, thôn An Lâm. Hiện nay, việc lắp đặt hệ thống đường ống dẫn đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 6.2014 nhằm đảm bảo phục vụ việc canh tác của nông dân.

Như Báo Quảng Nam đã phản ánh, gần 2 năm qua, kể từ ngày nhà thầu bắt tay vào việc nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước An Vang thì rất nhiều hộ dân ở tổ 3 (thôn An Lâm, xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức) lâm vào cảnh khó khăn vì 3ha đất canh tác của họ phải liên tục bỏ hoang do không nhận được nguồn nước tưới. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là trong quá trình thi công tuyến kênh đất nối từ hồ chứa nước An Vang về cánh đồng Cây Cau bị san lấp hoàn toàn và cống áp lực thấp hơn mặt ruộng 1,5m khiến nước không thể chảy được. VĂN SỰ

Đang tỉa dặm mấy đám lúa trên cánh đồng Học Trường, nghe tin mặn tái xuất hiện, bà Võ Thị Mười trú thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước) lo lắng: “Nếu những ngày tới mặn vẫn hoành hành, trạm bơm điện 19.5 tiếp tục dừng hoạt động thì cánh đồng này thiếu trầm trọng nước tưới là điều khó tránh khỏi. Khô hạn kéo dài, không chỉ việc tỉa dặm gặp nhiều khó khăn mà quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng, nhất là trong giai đoạn đẻ nhánh tập trung”. Nỗi lo của bà Mười cũng là nỗi lo chung của cả nghìn hộ dân khác ở xã Duy Phước và Duy Vinh có ruộng lúa nhận nguồn nước tưới từ trạm bơm điện 19.5.

Huy động trạm bơm dã chiến

Trước tình hình trên, trưa 11.6, ông Hướng cùng đội ngũ thủy nông viên cơ sở nhanh chóng sửa chữa, vận hành 4 máy bơm điện dã chiến đặt tại khu vực cầu 3.2 (thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước) để hút nước ngọt từ sông Đào đưa lên tuyến kênh chính của trạm bơm 19.5 rồi khẩn trương phân phối về các cánh đồng lúa. Ông Hướng nói: “Hồi gần cuối vụ đông xuân vừa rồi, do mặn xâm nhập sâu vào trạm bơm 19.5 nên chúng tôi đã lắp đặt 4 tổ máy chống hạn ở đây với tổng chi phí 119 triệu đồng. Hè thu này, kết hợp một phần kinh phí do huyện hỗ trợ, Hợp tác xã dự kiến sẽ chi thêm 210 triệu đồng để khơi thông lạch dẫn và bơm nước cứu lúa trong trường hợp trạm bơm điện 19.5 không hoạt động được vì sông Thu Bồn nhiễm mặn”. Theo ông Hướng, mới đây Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất & kinh doanh tổng hợp Duy Phước đã huy động nhân lực, phương tiện nạo vét 1.500m lạch dẫn trên sông Đào để lấy lượng nước hồi quy và lượng nước tạo nguồn từ trạm bơm điện Xuyên Đông đưa xuống nhằm đảm bảo cho 4 máy bơm chống hạn dã chiến tại cầu 3.2 vận hành thông suốt. “Sắp tới, nếu nắng nóng hoành hành trên diện rộng, mặn vẫn cứ tấn công vào miệng bể hút của trạm bơm 19.5 với nồng độ cao thì chúng tôi sẽ tiếp tục ra quân nạo vét thêm 3.000m lạch dẫn nước trên sông Đào” – ông Hướng cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Nam, ngoài 2 phương án trên thì hiện nay Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất & kinh doanh tổng hợp Duy Phước cũng đang chuẩn bị lắp đặt thêm 1 máy bơm dã chiến 14kW tại khu vực cầu Treo thuộc thôn Mỹ Phước với số tiền khoảng 80 triệu đồng để chủ động cung ứng nước tưới cho 12ha lúa của thôn này. Ông Lê Trung Ba - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phước cho biết, bên cạnh các giải pháp vừa nêu, những ngày qua chính quyền địa phương cũng đã tích cực vận động nông dân dự trữ nguồn nước ngọt ở các ao hồ, đầm lạch lớn nhỏ để khi xảy ra tình huống cấp bách thì trưng dụng hàng chục máy bơm dầu hút nước giải cứu lúa…

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khẩn trương chống mặn xâm nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO