(QNO) - Sau bài báo “Phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Điện Hòa (Điện Bàn): Khó do thiếu kinh phí!", PV Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Điện Bàn Nguyễn Văn Hiến và được biết ngày hôm nay (29.10) sẽ tổ chức phun thuốc dập dịch, tránh để lây lan trên diện rộng.
|
“Tính đến tháng 10.2015, thị xã Điện Bàn có gần 200 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung ở các xã: Điện An, Điện Thắng Bắc, Điện Trung, Điện Hồng và Điện Hòa. Trong đó, xã Điện Hòa là vùng trọng điểm dịch sốt xuất huyết, tập trung ở thôn Xóm Bùng, Xóm Phường, La Thọ 2, La Thọ 3… với tổng số ca mắc đã lên tới 43 ca. Đáng nói, ổ dịch ở thôn Xóm Bùng vừa qua là đợt dịch tái phát, sau 2 đợt xử lý, dập dịch của lực lượng chức năng trước đó” - bác sĩ Hiến nói.
Trả lời về nguyên nhân dịch sốt xuất huyết tái phát trở lại ở Điện Hòa với số ca mắc tăng cao, gây ảnh hưởng đến cộng đồng song khâu xử lý, dập dịch lại chậm trễ, bác sĩ Nguyễn Văn Hiến khẳng định, thuốc cấp về các trạm có thể nói đủ, máy phun không thiếu, song do xã Điện Hòa thiếu kinh phí hỗ trợ thuê nhân công phun thuốc, dập dịch nên khâu xử lý, khống chế dịch có phần chậm. Hiện, chúng tôi đã cử nhân viên điều tra tỷ lệ muỗi, bọ gậy tại vùng dịch tái phát, véc tơ truyền bệnh ở vùng này rất cao. Trung tâm đã làm việc với Trạm y tế và UBND xã Điện Hòa, trong ngày nay (29.10) sẽ tổ chức khoanh vùng, dập dịch, tránh lây lan ra diện rộng.
Một trong những nguyên nhân dịch tái phát nhiều lần trong năm do các trạm y tế dù trải qua các đợt phun thuốc dập dịch, tỷ lệ muỗi chết nhiều nhưng tỷ lệ bọ gậy trong vùng vẫn còn ở mức cao. Dù công tác truyền thông qua đài truyền thanh xã và tuyên truyền lưu động đã được triển khai nhưng sự hưởng ứng của người dân tại các vùng còn thấp, ý thức phòng chống dịch bệnh chưa cao, nhiều hộ trồng cây kiểng, bon sai, hòn non bộ tại nơi sinh sống mà không thường xuyên súc rửa bồn, chậu kiểng dẫn tới việc bọ gậy sinh sôi, nảy nở. Một hạn chế nữa là địa phương chưa quyết liệt trong việc hỗ trợ thuê nhân công phun thuốc dập dịch, dẫn đến thực trạng các ổ dịch liên tiếp tái phát.
BÍCH LIÊN