Khẩn trương đối phó khô hạn

VĂN SỰ - PHI THÀNH 27/06/2016 09:00

Những đợt nắng nóng kéo dài trong suốt nhiều tuần qua khiến nhiều diện tích lúa hè thu của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Duy Sơn 2 (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) bị ảnh hưởng nặng nề.

Kéo điện ra đồng phục vụ công tác chống hạn.Ảnh: T.S
Kéo điện ra đồng phục vụ công tác chống hạn.Ảnh: T.S

Thiếu nước tưới nghiêm trọng

Bà Huỳnh Thị Sáu (thôn Trà Châu, xã Duy Sơn) cho biết, vụ hè thu 2016 gia đình bà sản xuất tổng cộng 6 sào lúa trên các cánh đồng Đạt Nhất, Đồng Cả, Đạt Nhì bằng 2 loại giống trung ngày là Thiên ưu 8 và ĐV 108. Tuy nhiên, kể từ khi vãi hạt giống xuống đất đến nay, bà luôn thấp thỏm nỗi lo mất mùa bởi nguồn nước tưới cứ trong tình trạng thiếu hụt. Nhìn những ruộng lúa non úa vàng, bà Sáu lắc đầu: “Hiện nay, cây lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh tập trung nhưng các con kênh, dòng suối trên địa bàn đều cạn kiệt nước. Nếu tình hình này cứ kéo dài, tôi sợ rằng 6 sào lúa của mình sẽ bị tụt giảm mạnh năng suất, thậm chí có nguy cơ mất trắng”. Nghe bà Sáu than phiền, ông Ngô Quỳnh Giang ở gần đó cho biết thêm, cách đây vài năm, khu Đồng Cả của xã Duy Sơn được ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền huyện Duy Xuyên hỗ trợ dồn điền đổi thửa và đầu tư thi công hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn. Thế nhưng, bây giờ nhiều hộ dân canh tác trên cánh đồng này đang âu lo vì một số chân ruộng khô khốc, cây lúa sống còi cọc. Ông Giang nói: “Chưa có năm nào nắng hạn nghiêm trọng như năm nay. Từ khi đổ ải gieo sạ đến giờ, hễ trời xuất hiện mưa mới mong có chút nước cho cây lúa sinh trưởng và phát triển, còn không thì đồng khô cỏ cháy”.

Hàng trăm hộ dân khác cũng đang đứng ngồi không yên vì tình trạng khô hạn xảy ra khốc liệt. Trao đổi với chúng tôi vào sáng qua 26.6, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Duy Sơn 2 cho biết, hè thu năm nay bà con nông dân thuộc đơn vị triển khai gieo sạ 278ha lúa, tập trung chủ yếu ở 4 thôn Kiệu Châu, Trà Châu, Chiêm Sơn, Trà Kiệu Tây. Tính đến thời điểm này toàn hợp tác xã có ít nhất 70ha lúa non đang bị thiếu hụt nguồn nước tưới trầm trọng, trong đó không dưới 20% số diện tích vừa nêu đối diện với nguy cơ mất trắng. Ông Tấn cho biết, toàn bộ diện tích lúa đang thiếu nước này đều phụ thuộc vào đập bổi Cây Da 2. Thế nhưng, do con đập này có cao trình chỉ khoảng 1m nên dung lượng nước tích trữ rất ít. Mặt khác, ở giai đoạn đầu vụ dù trời thường có mưa nhưng không thể tích nước. Bởi, lúc đó nhà nông đang làm đất và đổ ải gieo sạ, nếu tiến hành chặn dòng chảy thì nước sẽ tràn xuống các chân ruộng gây ra tình trạng ngập úng cục bộ khiến hạt giống bị cuốn trôi hoặc hư thối. Đến khi cây mạ nẩy mầm lên xanh, bắt đầu triển khai việc tích nước thì trời lại nắng nóng kéo dài. Có một yếu tố quan trọng nữa là đập bổi Cây Da 2 chủ yếu nhận nguồn nước hồi quy từ đập dâng 3.2 và hồ chứa Phú Lộc. Thế nhưng, suốt mấy tháng qua do lượng mưa thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm trước nên cả đập dâng 3.2 và hồ chứa Phú Lộc chỉ đủ cung ứng nguồn nước cho những diện tích lúa mà 2 công trình này đảm nhận tưới chứ không thể san sẻ cho các đập bổi. Trong thời gian đến, nếu tình hình khô hạn vẫn diễn ra khốc liệt thì chắc chắn sẽ khó tránh khỏi nguy cơ mất mùa lúa.

Ứng phó khẩn cấp

Những ngày cuối tuần qua, có mặt tại thôn Kiệu Châu của xã Duy Sơn, chúng tôi thấy các thành viên thuộc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Duy Sơn 2 huy động tối đa nhân lực và phương tiện máy móc tiến hành lắp đặt trạm bơm điện dã chiến trên cánh đồng Mã Vôi để hút trực tiếp lượng nước ít ỏi từ đập bổi Cây Da 2 tưới chống hạn khẩn cấp cho 5ha lúa non sắp chết héo. Theo ông Nguyễn Văn Tấn, ngoài việc triển khai vận hành trạm bơm dã chiến ấy, hợp tác xã cũng đang khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt 8 trạm bơm điện tại nhiều vùng nguy cấp khác nhằm chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn ngày càng diễn ra khốc liệt. Bên cạnh đó, đơn vị còn chi gần 20 triệu đồng để đóng 2 giếng khoan tại khu vực Đồng Miếu của thôn Trà Châu và lắp đặt 2 tuyến đường ống dẫn nước với tổng chiều dài hơn 220m nhằm bơm nước giải cứu lúa. Ngoài ra, trên một số cánh đồng khác, hợp tác xã cũng đang cho khoan thêm 6 cái giếng và kéo hàng trăm mét đường dây điện để sẵn sàng phục vụ công tác chống hạn. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là nguồn nước của những cái giếng đóng này chỉ đủ cung ứng cho cây lúa trong một quãng thời gian ngắn, vì lượng nước ngầm ở đây cũng đang có dấu hiệu giảm dần.

Ông Nguyễn Văn Tấn cho biết thêm, ngoài các biện pháp công trình đã đề cập, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Duy Sơn 2 cũng thường xuyên yêu cầu đội ngũ thủy nông viên cơ sở liên tục bám sát ruộng đồng, điều tiết nước tưới một cách tiết kiệm, hiệu quả theo phương pháp ướt - khô xen kẽ và ưu tiên cung ứng cho những chân ruộng đã bị nứt chân chim, nằm ở các vùng cuối kênh. Đồng thời huy động lực lượng triển khai nạo vét hồ đập và các con suối để khơi thông dòng chảy dẫn nước về đồng. Ông Tấn nói: “Những giải pháp mà chúng tôi đã và đang thực hiện chỉ mang tính đối phó tức thời. Còn về lâu dài, rất mong cấp trên sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí nâng cấp đập bổi Cây Da 2 và xây dựng hệ thống kênh có chiều dài khoảng 2km để đưa nước từ con đập bổi ấy tới các chân ruộng. Theo dự kiến, tổng vốn đầu tư cho những hạng mục đó khoảng 2 tỷ đồng. Nếu làm được việc này thì trong các vụ sản xuất sắp đến, vấn đề thiếu nước tưới cho cây lúa không còn là nỗi lo với nhà nông nơi đây”.

VĂN SỰ - PHI THÀNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khẩn trương đối phó khô hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO