Khẩn trương khắc phục ngập lụt

NHÓM PV VÀ CTV 13/10/2020 06:32

Sáng 12.10, nước bắt đầu xuống chậm tại nhiều khu vực ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Tại các khu dân cư, nước rút đến đâu, cấp ủy, chính quyền và nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả và bảo vệ môi trường.

Lực lượng xung kích huyện Nông Sơn giúp dân dọn dẹp sau lũ. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Lực lượng xung kích huyện Nông Sơn giúp dân dọn dẹp sau lũ. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tại Đại Lộc, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện, trong 3 đợt lũ, toàn huyện có 2.500 nhà dân bị ngập sâu, nhiều tuyến đường trũng trên địa bàn ngập đến 2m. Các đợt mưa lũ liên tiếp đã gây ra tình trạng sạt lở nặng cho các khu dân cư ven núi, ven sông.

Sạt lở núi ảnh hưởng tới đời sống, nhà cửa của 13 hộ dân thôn Tân Hà (Đại Lãnh), đã được chỉ đạo di dời khẩn cấp. Khu vực này sạt lở nặng với số lượng đất đá ước tính 10.000m3 nên khi lũ rút, công tác khắc phục được tiến hành khẩn trương để đảm bảo đời sống cho người dân. Sạt lở cũng gây ảnh hưởng tới 9 hộ dân thôn Phú An (Đại Thắng); 11 hộ dân thôn Mỹ Tân, xã Đại Phong và 4 hộ dân thôn Hà Vy (Đại Hồng) cũng bị sạt lở ảnh hưởng tới nhà cửa...

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, địa phương đang rà soát, thống kê lại tình hình thiệt hại và đề xuất giải pháp khắc phục ở một số vùng sạt lở nghiêm trọng. Lãnh đạo huyện ủy đã chỉ đạo khi lũ rút thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc giúp dân dọn dẹp đường sá, trường học, chợ, các công trình công cộng, khắc phục, khơi thông các đoạn tuyến bị sạt lở, đặc biệt là nhà dân. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh môi trường sau lũ cần phải được chú trọng, tuyệt đối không để dịch bệnh phát sinh sau lũ.

Duy Xuyên: 4 người chết do điện giật và đuối nước

Ông Đỗ Thanh Minh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) cho biết, lúc 9 giờ 30 phút sáng 12.10, tranh thủ nước lũ vừa rút, hai mẹ con bà Tôn Nữ Thị Minh Hiếu (sinh năm 1964) và Nguyễn Thanh Tâm (sinh năm 1993) ở khối phố Mỹ Hòa (thị trấn Nam Phước) khẩn trương quét dọn thì không may bị điện giật. Ngay sau khi phát hiện, người dân địa phương đưa 2 nạn nhân đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Trong khi đó, ông Lê Đào – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước  (Duy Xuyên) thông tin, lúc 10 giờ 30 phút sáng 12.10, tại khu vực đội 7A (thôn Triều Châu, xã Duy Phước) xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là Hứa Thị Tường Vy (học sinh lớp 8, Trường THCS Kim Đồng, xã Duy Phước) và Hứa Đại Công (học sinh lớp 10, Trường THPT Hồ Nghinh, xã Duy Thành). Em Vy và Công đi trên đường ngập nước, bị sẩy chân, nước cuốn trôi. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến trưa và chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân.(V.SỰ - P.THÀNH)

Tại huyện Nông Sơn, mưa lũ, sạt lở đất ảnh hưởng đến 21 nhà dân, trong đó xã Quế Trung nặng nhất với 16 nhà dân bị ảnh hưởng, Ninh Phước 2 nhà, Phước Ninh 1 nhà và Quế Lâm 2 nhà. Ngay sau khi lũ rút, các địa phương, đơn vị chỉ đạo lực lượng xung kích xã khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả.

Tuyến ĐT611 qua Đèo Le bị sạt lở nặng, để đảm bảo giao thông thông suốt, lực lượng chức năng đã hiệp đồng xe cơ giới khơi thông đất đá. Khu vực đèo Phường Rạnh đang được thông tuyến và hoàn thành trong ngày 12.10, đảm bảo khớp nối, lưu thông vùng Nông Sơn - Duy Xuyên.

Sáng 12.10, nước lũ tại TP.Hội An bắt đầu rút chậm sau khi đạt đỉnh ở mức 2,71m (trên báo động III 0,71m). Tại khối Nam Diêu (phường Thanh Hà), chương trình “Chuyến đò 0 đồng” tiếp tục được duy trì cho đến khi nước lũ tại địa phương rút xuống dưới báo động II để phục vụ các trường hợp cấp cứu, di chuyển người đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, lực lượng chức năng địa phương đang tích cực dọn vệ sinh, xử lý cây ngã đổ với phương châm nước rút đến đâu thì triển khai đến đó để đạt hiệu quả cao, tránh khối lượng công việc dồn dập, đảm bảo khắc phục kịp thời để chủ động ứng phó các đợt mưa lũ tiếp theo.

Tại thị xã Điện Bàn, sáng 12.10 nước vẫn còn ngập sâu tại nhiều khu vực trũng thấp ở phường Vĩnh Điện, phường Điện Nam Đông, xã Điện Phương, các xã vùng Gò Nổi và nhất là tuyến ĐT608 từ Điện Bàn đi Hội An (đoạn từ phường Vĩnh Điện đến ngã ba Lai Nghi, phường Điện Nam Đông). Nhiều tuyến đường vẫn còn cấm phương tiện lưu thông.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban PCTT-TKCN thị xã Điện Bàn cho biết, từ trước khi có lũ lực lượng chức năng đã tuyên truyền người dân ở vùng thấp trũng chủ động tích trữ lương thực, nước uống đủ sử dụng đến khi nước rút. Ở các khu vực nước đã rút, đoàn thanh niên cơ sở cùng dân quân cơ động đang tích cực giúp người dân dọn dẹp rác thải, phát quang cây ngã đổ.

Mưa lớn kéo dài suốt mấy ngày qua, kết hợp với nhiều thủy điện phía thượng nguồn xả lũ khiến mực nước trên các con sông ở Duy Xuyên, Quế Sơn dâng cao, gây ngập lụt trên diện rộng. Chiều qua 12.10, các điểm bị ngập lũ trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua các thôn Trung Vĩnh, Phù Sa (xã Quế Xuân 1), Phú Mỹ (xã Quế Xuân 2) của huyện Quế Sơn nước đã rút. Tuy nhiên, do lũ rút khá chậm nên tính đến 15 giờ chiều 12.10 nhiều trục đường giao thông nông thôn ở các xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2 vẫn còn bị ngập khoảng 0,4 – 1,5m, hàng trăm nhà dân ngập từ 0,2 – 0,4m. Mưa lớn cũng đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của cầu Liêu – cây cầu huyết mạch nối thị trấn Đông Phú với xã Quế An (Quế Sơn) và qua huyện Hiệp Đức. Hiện cây cầu này bị hư hỏng 2 nhịp, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều đoạn tuyến tại khu vực các xã Quế Long, Quế Hiệp cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Lực lượng chức năng được huy động phát dọn cây cối ngã đổ và thu dọn đất đá để thông tuyến phục vụ cho người dân đi lại.

Tại huyện Duy Xuyên, đến trưa ngày 12.10, nước lũ bắt đầu rút nhưng khá chậm, nhiều khu vực vẫn còn bị chia cắt. Tuyến quốc lộ 14H từ thị trấn Nam Phước lên vùng tây còn ngập sâu, nhiều đoạn lên đến hơn 1,2m. Ông Trần Huy Tường – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCTT&TKCN huyện Duy Xuyên cho hay, đến 13 giờ chiều 12.10 toàn huyện có ít nhất 2.000 nhà dân vẫn còn ngập trong nước.

Ông Tường nói: “Địa phương đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó mưa lũ, trong đó chú trọng phương án “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, điều đáng buồn là đã có nhiều trường hợp tử vong do mưa lũ gây ra. Hiện chính quyền địa phương, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã đến thăm, động viên, chia buồn cùng gia đình người xấu số”.

Giao thông Đông Giang thiệt hại nặng

Chưa khắc phục xong hậu quả do đợt mưa lũ trước gây ra, mấy ngày vừa qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Đông Giang tiếp tục bị hư hỏng nặng nề bởi thiên tai.  2 trục giao thông huyết mạch liên tỉnh là đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14G bị sạt lở, ngập sâu gây chia cắt nhiều đoạn. Theo ông Nguyễn Đức Huy - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang, đến 9 giờ sáng qua 12.10, xe cộ đã lưu hành trên cả tuyến quốc lộ 14G, nhưng đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện chưa thể hanh thông do sạt lở. Đơn vị quản lý đường đang cật lực thực hiện các bước để khắc phục đảm bảo giao thông.

Về hạ tầng giao thông do địa phương quản lý, Đông Giang có tổng cộng 15 tuyến đường chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ. Theo ông Nguyễn Đức Huy, địa phương cho tiến hành giăng dây phân luồng, cắm bảng cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí sạt lở, đứt gãy. Những tuyến đường do cấp xã quản lý địa phương lập tức huy động các lực lượng triển khai xúc dọn, san gạt bằng thủ công cho bà con có thể đi bộ hoặc chạy xe máy. Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị thi công khắc phục trước mắt các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông bước một phục vụ cho nhân dân đi lại.(CÔNG TÚ)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khẩn trương khắc phục ngập lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO