Những ngày qua, hàng trăm hộ dân ở xã Duy Châu (Duy Xuyên) lo lắng khi dòng chảy trên sông Thu Bồn xuống thấp, trạm bơm điện Cù Bàn hoạt động èo uột khiến hàng chục héc ta lúa và hoa màu có nguy cơ bị khô hạn nặng, dẫn đến mất mùa.
Ruộng đồng thiếu nước
Vụ đông xuân này, gia đình bà Văn Thị Viễn ở thôn Bàn Nam (xã Duy Châu) sản xuất 2 sào lúa trên xứ đồng Mả Vôi, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tưới từ trạm bơm điện Cù Bàn.
Thế nhưng, sau Tết Nguyên đán đến nay mực nước trên sông Thu Bồn xuống thấp, cát bồi lấp nghiêm trọng tuyến lạch chính từ sông dẫn vào bể hút của trạm bơm Cù Bàn nên 2 tổ máy hoạt động hết sức èo uột.
“Hiện nay, lúa đang đẻ nhánh rộ nhưng với tình trạng thiếu nước tưới như thế này, nguy cơ cây lúa sẽ bị chết khô nếu không giải cứu kịp thời” - bà Viễn nói.
Ông Đặng Đình Sanh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bàn Nam cho biết, theo kiến nghị của người dân địa phương và UBND xã Duy Châu, hằng năm ngành nông nghiệp Duy Xuyên đều triển khai nạo vét lạch dẫn nước từ sông Thu Bồn vào bể hút của trạm bơm Cù Bàn khoảng 1 - 2 lần với chi phí vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, việc nạo vét này chủ yếu bằng thủ công, mang tính tạm thời vì sau mỗi mùa mưa lũ thì cát lại tiếp tục bồi lấp con lạch dẫn nước và khu vực bể hút của trạm bơm.
“Trước tình trạng thiếu nước tưới như hiện nay, ngành liên quan và chính quyền các cấp nên sớm triển khai dự án nạo vét quy mô lớn, tối ưu hơn để đảm bảo được hiệu quả lâu dài, bền vững nhằm ổn định nguồn nước tưới phục vụ sản xuất” - ông Sanh nói.
Theo ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch UBND xã Duy Châu, trạm bơm Cù Bàn được xây dựng từ năm 1985 nhằm lấy nước từ sông Thu Bồn để cung ứng cho gần 90ha lúa và nhiều loại hoa màu ở các thôn Lệ An, Bàn Nam, La Tháp của xã Duy Châu.
Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, do biến động dòng chảy nên lòng sông Thu Bồn và lạch dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn bị bồi lấp liên tục dẫn đến không đảm bảo nước tưới.
Vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, bể hút của trạm bơm Cù Bàn bị cô lập hoàn toàn, không có nước để bơm, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của người dân. Hiện nay, chuyện thiếu nước tưới cho cây trồng lại đang tái diễn và dự báo thời gian tới tình trạng khô hạn sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Sớm khơi thông dòng chảy
Ông Lê Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, mỗi năm, trước khi vào vụ sản xuất đông xuân, địa phương đều xây dựng phương án ứng phó tình trạng trạm bơm Cù Bàn bị bồi lấp trình UBND huyện Duy Xuyên xem xét.
Từ đó, huyện sẽ yêu cầu ngành chức năng phối hợp với chính quyền xã tiến hành khảo sát, đề xuất phương án nạo vét tạm thời, quy mô nhỏ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp mang tính tình thế, thiếu bền vững.
Được biết, ngày 9/8/2021, UBND huyện Duy Xuyên có tờ trình đề nghị UBND tỉnh và Sở NN&PTNT cho phép triển khai phương án nạo vét lạch dẫn nước từ sông Thu Bồn vào bể hút của trạm bơm Cù Bàn nhằm chống hạn một cách tối ưu, đảm bảo cung cấp nước tưới cho người dân sản xuất nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài.
Do đây là công trình cấp thiết nên ngày 24/8/2021 UBND tỉnh có công văn thống nhất cho UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư thực hiện phương án trên. Tuy nhiên, đến tháng 8/2022, khi bắt đầu triển khai phương án nạo vét thì gặp phải vướng mắc, bởi một số hộ dân phản đối vì lo ngại sạt lở ven sông cùng một số lý do khác. Từ đó đến nay, việc nạo vét buộc phải tạm dừng.
“Trước tình trạng khan hiếm nguồn nước tưới như hiện nay, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch điều tiết, sử dụng nguồn nước tiết kiệm cho từng khu vực cụ thể thì UBND xã Duy Châu vừa có văn bản, kèm theo đơn kiến nghị tập thể của hơn 40 hộ dân ở thôn Bàn Nam báo cáo UBND huyện Duy Xuyên để tổng hợp, trình UBND tỉnh sớm quan tâm, tạo điều kiện triển khai thực hiện phương án khơi thông lạch dẫn nước của trạm bơm Cù Bàn” - ông Lê Văn Hưng nói.
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, thời gian qua chính quyền huyện Duy Xuyên đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, giải thích với các hộ dân sinh sống xung quanh trạm bơm Cù Bàn nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đồng thời khẳng định dự án sẽ không gây sạt lở vì không nạo vét từ vị trí trạm bơm ra 55m mà chỉ cải tạo sâu. Bên ngoài phạm vi này sẽ tiến hành khơi thông, mở rộng mặt lạch, cửa vào nhằm thuận dòng, tránh tình trạng bồi lấp. Tuy nhiên, đến nay giữa UBND huyện, ngành nông nghiệp Duy Xuyên, UBND xã Duy Châu và một số hộ dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.