(QNO) - Trước nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và gây hại trên diện rộng, UBND tỉnh yêu cầu ngành liên quan cùng chính quyền các cấp khẩn trương triển khai đồng bộ và hiệu quả những biện pháp mạnh để sớm ngăn chặn, khống chế, dập tắt dịch bệnh.
Phát sinh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang xảy ra 3 loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), lở mồm long móng (LMLM), viêm da nổi cục (VDNC).
Hơn 2 tháng qua, toàn tỉnh có 9 ổ DTLCP tại 9 xã của 4 huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My, Thăng Bình, Quế Sơn; 10 ổ dịch LMLM tại 10 xã của 4 huyện Nông Sơn, Duy Xuyên, Đông Giang, Đại Lộc; 13 ổ dịch VDNC tại 13 xã của 5 huyện, thành phố Tam Kỳ, Nông Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn, Núi Thành.
Nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh phát sinh gây hại là kết quả phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho đàn vật nuôi trong năm 2023 đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đạt tỷ lệ rất thấp.
Cụ thể, bệnh LMLM trâu, bò đạt 52,61% tổng đàn, thậm chí có địa phương chưa tiêm phòng đợt 2/2023; bệnh VDNC tiêm đạt 15,43% tổng đàn; bệnh dịch tả lợn cổ điển tiêm đạt 34,98% tổng đàn...
Trong khi đó, đàn vật nuôi ở các địa phương tiêm phòng đợt 2/2023 đúng theo kế hoạch đến nay đã sắp hết thời hạn miễn dịch; việc vận chuyển, giết mổ phục vụ nhu cầu tiêu dùng sản phẩm động vật làm thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua tăng cao, trong khi công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ không được các địa phương quan tâm đúng mức…
Tập trung phòng chống dịch bệnh
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan trong thời gian đến là rất cao.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống nhằm sớm khống chế, dập tắt các ổ dịch, không để mầm bệnh lây lan ra diện rộng.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nhiều nội dung trọng tâm. Cụ thể, đối với các địa phương đang xảy ra DTLCP, cần huy động các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức xử lý tiêu hủy heo nghi mắc bệnh, heo mắc bệnh, heo chết theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm túc việc tái đàn heo trong thời gian công bố dịch và sau khi công bố hết dịch theo quy định. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh; thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Đối với các địa phương đang xảy ra dịch bệnh LMLM, VDNC trâu bò thì tổ chức tiêm phòng khẩn cấp cho gia súc khỏe mạnh tại các thôn có dịch. Đồng thời tiêm phòng bao vây ổ dịch từ ngoài vào trong đối với gia súc mẫn cảm tại các thôn chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp với xã có dịch…
Đối với các địa phương vùng biên giới, chỉ đạo bộ đội biên phòng, công an và các lực lượng chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới… để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024 bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn (hoặc đạt 100% tổng đàn trong diện tiêm) tại thời điểm tiêm, nhất là các bệnh LMLM, VDNC trâu bò, cúm gia cầm, bệnh dại động vật.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, sử dụng vôi bột, hóa chất để tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi…
UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi & thú y tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật ở các địa phương; hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo từng tình huống dịch xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin, hóa chất dự trữ để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Sở NN&PTNT thành lập các đoàn tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật ở các địa phương...