(QNO) - Chiều nay 6.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu về triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); về đầu tư hạ tầng thủy sản; tình hình sản xuất, quản lý ngành thủy sản.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến ngày 30.6.2022, số lượng tàu cá đã đăng ký trên địa bàn tỉnh là 2.753 phương tiện, bao gồm vùng khơi 683 phương tiện, vùng lộng 732, vùng bờ 1.338. Trong đó, số lượng tàu đã được ngành thủy sản cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá là 997 phương tiện.
Đến nay, Chi cục Thủy sản đã tổ chức thẩm định và cấp 233 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho tàu cá sản xuất ở vùng khơi. Số tàu cá toàn tỉnh được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định Luật Thủy sản năm 2017 là 1.057 giấy phép; trong đó, vùng lộng là 340, vùng bờ 95, vùng khơi 660. Số lượng tàu cá đã lắp đặt giám sát hành trình theo quy định là 660 (96,6%).
Từ năm 2021 đến nay, số lượng tàu cá mất kết nối giám sát hành trình hơn 10 ngày là 50 tàu. Đã có 2 tàu cá vượt ranh giới cho phép khai thác hải sản trên biển. Trong năm 2021 có 191 lượt tàu cá cập cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) và cảng Tam Quang (Núi Thành). Từ đầu năm đến nay, lượt tàu cá cập cảng là 125 tàu cá. Về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác, đến nay Quảng Nam chưa thực hiện. Từ năm 2018 đến nay, đã có 3 tàu cá Quảng Nam bị nước ngoài bắt giữ.
Quảng Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ có chương trình hỗ trợ ngư dân khi giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua khiến cho nhiều tàu cá nằm bờ; đào tạo, nâng cao nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá cho cán bộ Chi cục Thủy sản và Văn phòng Kiểm soát nghề cá của tỉnh; thường xuyên cung cấp thông tin về dự báo ngư trường ở vùng biển khơi giúp địa phương hướng dẫn cho ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả.
Hiện nay, Quảng Nam không có phương tiện tuần tra trên biển, do vậy đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, xem xét hỗ trợ kiểm ngư Quảng Nam 1 tàu vỏ composite để đảm bảo thực thi pháp luật thủy hải sản hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hạ tầng nghề cá của tỉnh đã được đầu tư khá đồng bộ, nhất là cảng cá Tam Quang, khu neo đậu tàu cá kết hợp cảng cá Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên). Tuy vậy, số lượng tàu cá của Quảng Nam quá lớn, cường lực khai thác quá mạnh, cần có cơ chế, chính sách để dịch chuyển sang nuôi biển.
Trong quản lý cảng cá và kiểm soát nghề cá, Quảng Nam vừa thiếu vừa yếu về nhân lực, vật lực, cần đầu tư hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngành biên phòng cần mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm của ngư dân, tuyệt đối không cho xuất cảng vươn khơi nếu chủ tàu cá không xuất trình đầy đủ các giầy tờ, thủ tục theo quy định. Tàu cá đánh bắt ven bờ của tỉnh quá nhiều, lực lượng kiểm ngư của tỉnh cần đầu tư phương tiện để tuần tra, kiểm soát trên biển, ngăn chặn các hành vi đánh bắt hải sản tận diệt và sai ngư trường theo quy định.
Ngành thủy sản cần phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương ven biển để tuyên truyền hiệu quả hơn về chống IUU, tạo chuyển biến trong ngư dân, góp phần cùng cả nước thực thi IUU. “Quảng Nam cần khẩn trương thực hiện các khuyến cáo của EC để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói.