Sáng 8.1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân có buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Đà Nẵng về dự án Đại học Đà Nẵng tại phường Điện Ngọc (Điện Bàn) và định hướng mô hình phát triển Trường Đại học Quảng Nam thời gian đến.
Đã bố trí vốn
PGS-TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, dự án Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý (Đà Nẵng) - Điện Ngọc (Điện Bàn) đã “treo” trên 23 năm. Nhưng điều rất vui là lần đầu tiên, dự án được Bộ Kế hoạch - đầu tư bố trí vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 500 tỷ đồng trong năm 2020. Bộ GD-ĐT cũng đã có phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực TP.Đà Nẵng 675 tỷ đồng, Quảng Nam 165 tỷ đồng. Ngoài ra, phương án vay 100 triệu USD của Ngân hàng Thế giới đang được Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét.
“Dự án sau 23 năm bây giờ đã có tiền rồi. Vì vậy, cần khẩn trương triển khai để có thể giải ngân, trong đó trước mắt tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Tất nhiên, tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng thôi vẫn chưa đủ mà nhiều việc phải là trách nhiệm của bộ, ngành Trung ương” - ông Vũ chia sẻ.
Một trong những khó khăn hiện nay là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà, dự án này nằm trên diện tích 190ha của phường Điện Ngọc với số hộ bị ảnh hưởng là 600. Nếu giải tỏa, cần bố trí 3.155 lô tái định cư và hiện nay, địa phương đã quy hoạch 620ha. Dù địa phương cố gắng quản lý hiện trạng, đất đai nhưng do thời gian dự án kéo dài quá lâu nên rất nhiều nhà xây dựng trái phép. Theo Đại học Đà Nẵng, diện tích đất thu hồi trên địa bàn Quảng Nam là 190ha với tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 2.032 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, dự án Đại học Đà Nẵng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh giao trách nhiệm cho thị xã Điện Bàn tiếp tục phối hợp quản lý tốt hiện trạng, quy hoạch, khẩn trương tham mưu tỉnh sớm phê duyệt ranh giới quy hoạch, khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương tích cực tham gia góp ý đồ án quy hoạch phân khu Đại học Đà Nẵng. Giao Văn phòng UBND tỉnh làm đầu mối giúp UBND tỉnh để Đại học Đà Nẵng liên hệ công tác thuận lợi.
Trường Đại học Quảng Nam trực thuộc Đại học Đà Nẵng?
Liên quan đến mô hình phát triển Trường Đại học Quảng Nam thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh là Trường Đại học Quảng Nam sẽ là thành viên của Đại học Đà Nẵng. Tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất và nhiều vấn đề khác để trường tập trung đào tạo nguồn nhân lực về du lịch, đáp ứng nhu cầu rất lớn của tỉnh. Việc thêm thành viên Trường Đại học Quảng Nam sẽ góp phần cho cả hai phát triển mạnh hơn.
PGS-TS. Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam chia sẻ, nhà trường đi lên từ trung cấp sư phạm, ra đời làm nhiệm vụ đào tạo nguồn giáo viên cho tỉnh. Sau khi lên đại học vẫn tiếp tục đào tạo giáo viên, sau đó chuyển sang đào tạo đa ngành phục vụ nhu cầu của xã hội. Khó khăn nhất hiện nay là công tác tuyển sinh. Vì vậy, mong muốn của nhà trường là trở thành thành viên của Đại học Đà Nẵng để nâng tầm Trường Đại học Quảng Nam. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc ủng hộ đề xuất này và cho rằng sẽ giúp Trường Đại học Quảng Nam phát triển bởi Đại học Đà Nẵng hiện nay có sức hút rất lớn.
PGS-TS. Nguyễn Ngọc Vũ cho biết Đại học Đà Nẵng có 5 trường đại học thành viên và mới có quyết định thành lập trường đại học thành viên thứ 6. Về đội ngũ, chưa kể đại học thành viên thứ 6, hiện nay Đại học Đà Nẵng đã có 2.500 cán bộ, giảng viên, trong đó 500 TS, 100 GS, PGS cho thấy quy mô khá lớn và chất lượng đội ngũ tốt.
Theo ông Vũ, xu hướng hiện nay là hình thành đại học vùng lớn và nó không chỉ giải quyết công tác tuyển sinh mà còn phát triển mạnh hơn. Vì vậy, Đại học Đà Nẵng ghi nhận đề xuất, sự tin tưởng của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đối với Đại học Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây là việc rất lớn liên quan đến tài sản, con người và phải tính toán thật kỹ; đồng thời xin ý kiến của Bộ GD-ĐT và thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.