Ngành chức năng và địa phương đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tàu cá được đóng mới từ Nghị định 67 tại Quảng Nam chưa nhiều.Ảnh: QUANG VIỆT |
Triển khai Nghị định 67, Quảng Nam được Trung ương phân cấp đóng mới 92 tàu cá (gồm 62 tàu vỏ gỗ, 30 tàu vỏ thép, vật liệu mới). Trong số đó, Quảng Nam có 83 tàu khai thác hải sản, 9 tàu thực hiện hậu cần trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Đến thời điểm này, qua 4 đợt phê duyệt, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 78 ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá từ nguồn vốn vay ưu đãi. Con số 11 chủ tàu đã được các ngân hàng thương mại ký hợp đồng vay vốn sau 10 tháng triển khai vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân lẫn kỳ vọng của các cấp. Đến thời điểm này, tại Quảng Nam vẫn chỉ có 2 ngân hàng vào cuộc, trong đó, BIDV Quảng Nam đi đầu với 7 hợp đồng được ký kết, 4 hợp đồng còn lại thuộc về Agribank Quảng Nam.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, để triển khai hiệu quả Nghị định 67 thì chế độ báo cáo phải được tiến hành thường xuyên trong thời gian đến. Theo đó, các ngân hàng thương mại phải thực hiện báo cáo tiến độ giải ngân về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam lẫn Sở NN&PTNT để 2 đơn vị này tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc, phát sinh. Còn ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì cho biết, thời gian qua, ngành thủy sản đã làm việc với các cơ sở đóng tàu vỏ thép cũng như các đơn vị tư vấn thiết kế ở ngoài tỉnh, giúp ngư dân liên hệ, chủ động hoàn thiện thiết kế để đóng tàu tại cơ sở có điều kiện tốt nhất. Ông Ngô Tấn cũng kiến nghị Cục Thuế Quảng Nam tăng cường phổ biến các chính sách về thuế đặc thù theo Nghị định 67 với các cơ sở đóng tàu, các đơn vị cung ứng máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ, giúp việc đóng mới tàu cá có công suất 400CV trở lên được nhanh gọn, thông suốt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết công tác tuyên truyền, thông tin về Nghị định 67 được triển khai liên tục trong thời gian qua trên địa bàn. Bởi vậy, đến thời điểm này, ngư dân trên đã nắm rõ tất cả điều kiện, nội dung, quy chế hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67. Trên cơ sở 45 tàu cá được UBND tỉnh phân bổ về địa phương theo Nghị định 67, ngành thủy sản của huyện đã xem xét, thẩm định các ngư dân đủ điều kiện đóng tàu, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại niêm yết công khai các điều kiện vay vốn, danh mục hồ sơ, thời gian xử lý hồ sơ và thông báo kết quả thẩm định bằng văn bản cho các chủ tàu. Các ngân hàng thương mại ở 28 tỉnh, thành phố ven biển phải chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tiếp nhận tất cả trường hợp chủ tàu gửi hồ sơ đề nghị vay vốn. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt hồ sơ vay vốn, đồng thời báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để kịp thời xử lý. Đối với những chủ tàu gặp khó khăn về vốn đối ứng, các ngân hàng thương mại cần xem xét cho vay theo cơ chế cho vay thông thường, giúp ngư dân chủ động vốn vay đóng tàu.
VIỆT QUANG