Nông nghiệp

Khẩn trương triển khai phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

NHÃ PHƯƠNG 29/06/2024 15:09

(QNO) - Trước nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh gây hại đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp Quảng Nam vừa yêu cầu chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống.

Nguy cơ dịch bệnh kéo dài

Tại hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2023 – 2024 vừa qua, ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay tổng đàn gia súc của Quảng Nam khoảng 556.800 con, trong đó đàn trâu 56.600 con, đàn bò 178.900 con, đàn heo 321.300 con; tổng đàn gia cầm 8.250.000 con.

1.jpg
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang xảy ra 29 ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: PV

Từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh đã và đang xảy ra các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, trong 6 tháng qua toàn tỉnh xuất hiện 29 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 28 xã của 8 huyện gồm Hiệp Đức, Bắc Trà My, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc, Đông Giang, Nam Giang.

Trong khi đó, bệnh lở mồm long móng xảy ra 11 ổ dịch tại 11 xã của 5 huyện, thành phố là Nông Sơn, Duy Xuyên, Đông Giang, Đại Lộc, Hội An. Cạnh đó, phát sinh 26 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò ở 26 xã của 6 huyện, thành phố gồm Nông Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn, Núi Thành, Tiên Phước, Tam Kỳ. Ngoài ra, còn có 1 ổ dịch bệnh dại tại phường Cẩm Châu của TP.Hội An.

Theo Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh còn 2 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày ở xã Bình Lâm (Hiệp Đức) và xã Quế Minh (Quế Sơn).

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, từ đầu năm đến nay Quảng Nam xảy ra 2 trường hợp người mắc bệnh lây truyền từ động vật. Trong đó, 1 trường hợp tử vong nghi mắc bệnh dại tại xã Quế Phú (Quế Sơn) vào đầu tháng 5/2024 và 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh liên cầu khuẩn lợn tại xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) được phát hiện vào ngày 20/6/2024. Đồng thời, ghi nhận 702 trường hợp bị chó, mèo nghi mắc bệnh dại cắn, phải điều trị dự phòng.

Về công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trong đợt 1 năm 2024, tính đến ngày 25/6 Quảng Nam có 52,68% đàn trâu, bò được chích ngừa vắc xin lở mồm long móng; 14,66% đàn trâu, bò được tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục; 33,31% đàn heo được chích vắc xin dịch tả lợn. Trong khi đó, bệnh cúm gia cầm chỉ tiêm được 69.120 con trong tổng đàn gần 8 triệu con.

2.jpg
Thời gian qua, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc của Quảng Nam đạt quá thấp. Ảnh: PV

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thời gian qua tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho đàn vật nuôi trên địa bàn Quảng Nam đạt thấp; chưa quản lý tốt hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; nhiều địa phương bỏ ngỏ công tác quản lý giết mổ động vật... Từ thực tế trên, cơ quan chuyên môn nhận định, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh gây hại đàn vật nuôi của tỉnh trong thời gian tới là rất lớn.

Tập trung phòng chống dịch

Hôm qua 28/6, ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT ký Công văn số 1855 gửi UBND 18 huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Theo Sở NN&PTNT, bệnh liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền giữa động vật và người, do vi khuẩn tồn tại trong môi trường chăn nuôi gây ra. Bệnh liên cầu khuẩn lợn thường ghép với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn heo như tai xanh, dịch tả, tụ huyết trùng…

3.jpg
Người chăn nuôi cần tăng cường giám sát lâm sàng trên đàn heo. Ảnh: PV

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh thú y, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý đàn heo. Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu khuẩn lợn, giảm thiểu nguy cơ lây bệnh lây sang người, UBND cấp huyện cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp.

Theo đó, tăng cường giám sát lâm sàng trên đàn heo. Khi phát hiện heo nghi mắc bệnh liên cầu khuẩn với các triệu chứng như sốt cao tới 42,5 độ C, bỏ ăn, sưng hầu, ủ rũ, khó nuốt, co giật cơ, mất cân bằng, đi lại loạng choạng, xiêu vẹo, tai xuôi ép về phía thân, nằm nghiêng một bên, chân đạp bơi chèo rồi chết… thì người chăn nuôi phải nhanh chóng cách ly heo nghi mắc bệnh. Đồng thời, báo ngay cho Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh để phối hợp thực hiện các biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời nguy cơ lây nhiễm sang người.

Các cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến thực hiện tốt biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường. Nhân viên thú y được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giao nhiệm vụ kiểm soát giết mổ thì yêu cầu phải thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định, trong đó lưu ý kiểm tra lâm sàng trước khi giết mổ, khám thân thịt, nội tạng heo trong quá trình giết mổ...

Đối với những địa phương đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị huy động các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức xử lý tiêu hủy heo nghi mắc bệnh, heo mắc bệnh, heo chết theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch theo quy định.

Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh.

Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương phải tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024 đảm bảo đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn (hoặc đạt 100% tổng đàn trong diện tiêm), nhất là các bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm và bệnh dại động vật.

Chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan cũng cần tích cực hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, sử dụng vôi bột, hóa chất để tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.

4.jpg
Thường xuyên phun hóa chất tiêu độc khử trùng để ngăn chặn vi rút gây bệnh xâm nhiễm. Ảnh: PV

Sở NN&PTNT yêu cầu Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh. Tùy tình hình thực tế, tham mưu đề xuất giám sát bệnh liên cầu khuẩn lợn trên địa bàn tỉnh theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin, hóa chất dự trữ để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tham mưu Sở NN&PTNT thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật ở các địa phương…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khẩn trương triển khai phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO