(QNO) - UBND tỉnh vừa có công văn giao Sở TN-MT khẩn trương triển khai thực hiện lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo công văn chỉ đạo của Bộ TN-MT.
Trước đó, Bộ TN-MT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND cấp huyện có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm tăng cường công tác quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật về đất đai.
Đối với các địa phương đã phê duyệt, công bố Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước cần chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 của Nghị định số 53.
Trường hợp nội dung danh mục không đáp ứng điều kiện để thể hiện phạm vi trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì rà soát, điều chỉnh, cập nhật Danh mục theo quy định của Nghị định số 53.
Đối với các địa phương đang triển khai thực hiện việc lập, điều chỉnh Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước cần chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc lập, điều chỉnh Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước.
Ngay sau khi công bố Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, triển khai thực hiện việc thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định của Nghị định số 53 để xác định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 97 của Nghị định số 102 (nếu có).
Đối với các địa phương đã phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 43 ngày 6/5/2015 nhưng chưa thực hiện việc cắm mốc, chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh, cập nhật phương án cắm mốc theo quy định của Nghị định số 53.
Theo Bộ TN-MT, trong những năm qua, thực hiện việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước năm 2012, các địa phương (53/63 địa phương) đã hoàn thành việc lập, công bố Danh mục hành bảo vệ nguồn nước.
Tuy nhiên, do kinh phí để thực hiện việc cắm mốc hành lang là rất lớn nên mới chỉ có 3/63 địa phương hoàn thành việc cắm mốc trên thực địa. Do vậy, tình trạng lấn chiếm đất hành lang bảo vệ nguồn nước làm thu hẹp không gian tiêu thoát lũ, cản trở dòng chảy, hạn chế khả năng tích, trữ, điều hòa nguồn nước, gây sạt, lở, ô nhiễm nguồn nước diễn ra nhiều nơi.