(QNO) - Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vào chiều nay 26.9. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng dự.
Chủ động sơ tán, dự trữ lương thực
Ông Trương Xuân Tý - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho hay, bão số 4 đã vào khu vực Hoàng Sa. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tập trung công tác chỉ đạo ứng phó theo tinh thần các công điện từ Trung ương đến tỉnh.
“Công tác tuyên truyền được thực hiện rất kịp thời. Tất cả sở, ban ngành, địa phương đều ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó với bão số 4. Các lực lượng xung kích túc trực tại các điểm được bố trí, sẵn sàng cho các tình huống, hiệp đồng với các lực lượng để phòng chống bão” - ông Tý cho hay.
Về công tác di dời dân tránh bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, dự kiến các địa phương của Quảng Nam sơ tán tập trung hơn 17.000 hộ với hơn 66.000 dân, sơ tán xen ghép hơn 21.000 hộ với hơn 67.000 dân.
Các địa phương miền núi đã chủ động công tác dự trữ lương thực. Tại Tây Giang, đã dự trữ 180 tấn gạo tại 10 xã và trường học. Nam Giang dự trữ hơn 36 tấn gạo (trang bị cho mỗi xã 3 tấn). Tương tự, tại Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước cũng dự trữ mỗi địa phương từ 20 - 46 tấn gạo. Nông Sơn, Đông Giang cũng đã chỉ đạo các xã tự cân đối nguồn lương thực dự trữ.
Theo thống kê, Quảng Nam hiện còn 12 tàu cá hoạt động trong khu vực nguy hiểm, trong đó 1 tàu trong vùng cực kỳ nguy hiểm. Các tàu này đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam thông báo, hướng dẫn tìm nơi tránh trú và dự kiến sẽ tránh trú an toàn vào chiều tối nay.
Về sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã thu hoạch xong vụ hè thu; riêng một số huyện vùng núi vẫn còn 569ha diện tích lúa nước và 3.501ha diện tích lúa rẫy chưa thu hoạch. UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung thu hoạch sớm diện tích lúa đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Huy động mọi phương tiện thông tin để cảnh báo
Nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai ở mức cao, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ động triển khai các nội dung theo công điện, tuyệt đối không chủ quan.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo dõi, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh; đơn vị, địa phương nào không chấp hành nghiêm sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời theo dõi, nắm tình hình triển khai sơ tán dân, rà soát các địa điểm sơ tán, đảm bảo các điều kiện về lương thực, vệ sinh, phương tiện sơ tán… Các phần việc này phải khẩn trương và hoàn thành trước 9 giờ sáng mai 27.9. Các địa bàn miền núi, vùng có nguy cơ cô lập phải dự trữ sẵn lương thực, nhu yếu phẩm, nước uống.
“Bắt đầu từ tối nay, huy động tất cả phương tiện sẵn có như loa truyền thanh, truyền thanh lưu động, mạng xã hội… để thông báo cho dân biết mức độ nguy hiểm của bão, các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để ứng phó” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Đối với các hồ thủy điện, đồng chí Lê Trí Thanh yêu cầu phải điều hành, vận hành đúng quy trình. Trong tình huống có mưa lớn, phải phối hợp điều hành để không làm mực nước ở hạ du tăng đột ngột.
Lực lượng quân sự sẵn sàng nhân lực, phương tiện, bố trí ở các điểm trọng yếu để kịp thời điều động. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc chủ tàu thuyền chấp hành khuyến cáo di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, khẩn trương tránh trú an toàn; đồng thời tổ chức kiểm tra việc neo đậu, tuyệt đối nghiêm cấm ngư dân ở lại trên tàu bè trong thời gian trước và trong bão.