Bằng các việc làm thiết thực, hiệu quả, phụ nữ xã Bình Tú (huyện Thăng Bình) đã cùng nhau tạo sinh kế để vươn lên, đồng thời góp sức phát triển tổ chức hội phụ nữ ngày càng vững mạnh.
Vượt khó vươn lên
Đến thôn Tú Mỹ, hỏi bà Ngô Thị Lộc, ai cũng tấm tắc khen ngợi cách làm kinh tế giỏi. Sau khi xoay xở đủ loại hình sinh kế, bà Lộc đã chọn nghề làm bánh tráng và gắn bó 22 năm qua. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở bánh tráng của bà Lộc sản xuất được hơn 2.000 bánh cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là TP.Tam Kỳ, huyện Quế Sơn và TP.Đà Nẵng. Khách hàng ưa chuộng bánh tráng của bà Lộc nhờ hương vị thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Gạo và mè tôi chọn mua để sản xuất bánh tráng đều là loại đặc sản của Thăng Bình. Các bước từ xay bột gạo, bổ sung mè, tráng bánh đến phơi khô đều thao tác theo quy trình. Tôi muốn nhân rộng nghề làm bánh tráng để giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định” - bà Lộc nói. Với cơ sở sản xuất bánh tráng, mỗi tháng bà Lộc có nguồn thu hàng chục triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 7 lao động địa phương.
Ở thôn Tú Cẩm, chị Phan Thị Lê là điển hình vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Chị Lê lập gia đình năm 1997, chồng làm nghề sửa xe đạp. Khi con trai lớn mới được 2 tuổi, chị Lê đang mang bầu đứa con thứ 2 thì không may chồng mất vì điện giật. Khổ cực còn lớn hơn khi chị Lê bị tai nạn giao thông khá nghiêm trọng sau đó không lâu. Tuy vậy, với nghị lực bản thân, sự đùm bọc, giúp đỡ của hàng xóm láng giềng, nhất là chị em phụ nữ, chị Lê đã vượt qua hoàn cảnh.
Năm 2018, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Tú, chị Lê tiếp cận được vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình để xây dựng mô hình kinh tế vườn và tham gia các lớp nấu ăn, trồng hoa... Từ nuôi gà, vịt, heo, nấu tiệc cưới, sinh nhật..., chị Lê có nguồn thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Không ngừng vươn lên, chị Lê còn thuê đất làm lúa giống và mở thêm cơ sở thu mua phế liệu. Nhờ đó, chị Lê không những thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.
“Cuộc sống sẽ không bỏ rơi ai nếu họ biết cố gắng, phấn đấu. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là con trai đã có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp đại học ngành điện và con gái cũng đã trưởng thành” - chị Lê nói.
Ngoài những điển hình trên, để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, chị em phụ nữ xã Bình Tú đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như trồng nấm, chăn nuôi bò vỗ béo, trồng hoa, làm sản phẩm mây tre đan, chế biến thủy sản...
Góp sức cho tổ chức hội
Những năm qua, Chi hội Phụ nữ thôn Tú Ngọc A tổ chức được nhiều hoạt động tập hợp, thu hút hội viên tham gia nên ngày càng vững mạnh, góp phần hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch thi đua của Hội LHPN xã Bình Tú. Ban chấp hành chi hội tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác phụ nữ ở xã, huyện nên khả năng tập hợp hội viên, điều hành hoạt động ngày càng nâng cao.
“Vào các dịp lễ như 8.3, ngày 20.10 hay hội họp, cả trong lao động sản xuất, chị em chúng tôi luôn quan tâm, động viên, chia sẻ, khuyến khích nhau cùng phấn đấu vươn lên. Sự gần gũi này tạo nên tinh thần đoàn kết, hội viên chung tay tham gia các phong trào. Hằng năm, nội dung hoạt động đề ra của chi hội thôn đều đạt, được cấp trên nhiều lần tuyên dương, khen thưởng” - bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Tú Ngọc A nói.
Hưởng ứng cuộc vận động “5 không, 3 sạch” của Hội LHPN Việt Nam phát động năm 2010, chị em phụ nữ ở tổ 6, thôn Tú Cẩm đã triển khai đạt nhiều thành quả. Bà Mai Thị Nhạn - Chủ nhiệm mô hình “5 không, 3 sạch” tổ 6 cho biết, tổ xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần, vận động chị em phụ nữ giúp đỡ lẫn nhau, ký cam kết thực hiện. Đến nay, tổ 6 đã trở thành điểm sáng: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3, không có trẻ em suy dinh dưỡng hay bỏ học; sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ ra đường, sạch trong sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm.
Bà Phan Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình nhận xét rằng, hội viên phụ nữ xã Bình Tú đã khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên để giữ vững phong trào thi đua của hội. Những năm qua, Hội LHPN xã Bình Tú còn đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu đột phá gắn với nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nguồn lực vào những vấn đề trung tâm, ưu tiên, tạo điểm nhấn. Phần lớn chỉ tiêu, mục tiêu của Hội LHPN xã Bình Tú đều đạt và vượt, nhiều chỉ tiêu vượt 20 - 40%.
Đột phá trong công tác Hội
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, hoạt động của Hội LHPN xã Bình Tú (huyện Thăng Bình) đi vào trọng tâm, trọng điểm và có chiều sâu, xây dựng nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả. Nội dung, phương thức hoạt động của hội được đổi mới, đa dạng, phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của đa số hội viên.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Tú đánh giá, bằng sự năng động, sáng tạo, Hội LHPN xã đã phát huy khối đại đoàn kết, tập hợp được hội viên. Một trong những dấu ấn của Hội là hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ nghèo theo phương châm “trao cái người nghèo cần, chứ không trao cái Hội có”, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 3,52% năm 2016 xuống còn 1,9% năm 2020.
Thực hiện khâu đột phá gắn với nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường”, đến nay tỷ lệ hội viên phụ nữ tiếp cận với khoa học kỹ thuật hơn 90%, trong đó có gần 80% hội viên thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Song song với tiếp cận khoa học kỹ thuật, Hội LHPN xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 420 chị vay với số tiền hơn 11 tỷ đồng, trong đó có 69 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Trong 5 năm qua, Hội LHPN xã Bình Tú đã giúp 40 hộ phát triển kinh tế, trong đó trao phương tiện sinh kế giúp 10 hộ do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững.
Bà Lê Thị Li - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Tú chia sẻ, mặc dù trong nhiệm kỳ qua còn nhiều khó khăn, thách thức, song Hội đã nỗ lực khắc phục, vươn lên giữ vững các phong trào; tập trung thực hiện các khâu đột phá gắn với nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, tạo nên điểm nhấn của phong trào hội. “Có thể khẳng định phong trào Hội nhiệm kỳ qua đã trở thành động lực thúc đẩy chị em vượt qua khó khăn, phát huy được sự sáng tạo, đức tính cần cù của phụ nữ để khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội” - bà Lê Thị Li nói. (GIANG BIÊN - TRUNG THỰC)