Khánh thành Nhà máy nước Tam Kỳ: "Lên hạng" cùng đô thị 

BÍCH HẠNH 29/03/2017 08:58

TP.Tam Kỳ đang trên lộ trình phát triển mạnh đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường thiên nhiên. Đô thị ấy, không chỉ nỗ lực hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng khung, tăng tốc kinh tế, nâng cao thu nhập mà còn đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, nhu cầu hưởng lợi nước sạch của người dân.

Nước máy về vùng ven

Mùa khô hạn về. Nhiều vùng quê dọc ven sông Trường Giang, Bàn Thạch qua các xã Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) rất khổ sở trong sinh hoạt và sản xuất vì phải thường xuyên đối mặt với cảnh “thừa nước mặn thiếu nước ngọt”. Hai năm về trước, hầu hết người dân vùng đông Tam Kỳ đều khai thác nguồn nước ngầm nhưng nhiều khu vực nhiễm phèn, nhiễm mặn. Muốn có giọt nước sạch, người dân phải tự xây bể lắng, lọc nước qua nhiều công đoạn, vừa tốn thời gian vừa không đảm bảo vệ sinh an toàn. Có nước sạch từ Nhà máy nước Tam Kỳ dẫn về, đối với bà con khu tái định cư xã Tam Phú, cảm giác vui sướng y như cái thời có điện thắp sáng cách đây 20 năm.

Mặt trước của Nhà máy sản xuất nước uống đóng chai mang nhãn hiệu QNA là không gian xanh. Ảnh: B.HẠNH
Mặt trước của Nhà máy sản xuất nước uống đóng chai mang nhãn hiệu QNA là không gian xanh. Ảnh: B.HẠNH

Gia đình ông Trần Ngọc Hùng (thôn Phú Bình, xã Tam Phú) cùng gần 100 hộ dân ở khu tái định cư này mua ống nhựa, thiết bị về đấu nối với đường ống nước sạch của nhà máy chạy ngang trước ngõ. Ông Hùng phấn khởi: “Từ ngày có nước về, gia đình đã không dùng đến chiếc máy bơm nước ngầm từ lòng đất. Nước dẫn từ nhà máy về trong veo, không phải lo nhiễm bẩn. Có nước máy về, người dân chúng tôi rất vui!”. Kết quả quan trắc của cơ quan chức năng gần đây đều cho thấy, các chỉ số về nguồn nước tại một số khu vực ở xã Tam Phú, Tam Thanh đều bị ô nhiễm. Chính vì vậy, một thời gian dài người dân địa phương khai thác nước ngầm chỉ để giặt giũ, tắm rửa; còn nước uống hàng ngày phải chở từ các làng khác, hoặc mua nước đóng chai rất tốn kém. Cách đây vài năm, ngay cả một số khu vực ở nhiều phường trung tâm của thành phố người dân vẫn còn thói quen khai thác nước ngầm sử dụng, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người.

Từ cuối năm 2015, các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu tăng tốc đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Thời điểm này, có 9 doanh nghiệp đi vào hoạt động, ước tính hơn 6.000 công nhân, lao động làm việc tại đây. Sau khi khảo sát nhu cầu thực tế sử dụng nước, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam đề xuất mở rộng quy mô Nhà máy nước Tam Kỳ. UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương sử dụng nguồn vốn dự phòng lắp đặt thêm tuyến ống D355 dài 7km kéo từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến Khu công nghiệp Tam Thăng. Theo đó, công ty lắp đặt thêm 1.500 đồng hồ cho các hộ vùng phụ cận sử dụng nước. Thêm vào đó, theo dự báo nhu cầu sử dụng nước của khu công nghiệp này bắt đầu từ năm 2017 sẽ tăng cao với khối lượng lớn nên doanh nghiệp đã huy động vốn vay thương mại để đầu tư mở rộng thêm cụm xử lý 10.000m3/ngày đêm, nâng công suất thiết kế hiện hữu của Nhà máy nước Tam Kỳ lên 35.000m3/ngày đêm và khả năng công suất vận hành tối đa có thể đạt được 42.000m3/ngày đêm.

Theo đại diện Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam - đơn vị chủ đầu tư của Nhà máy nước Tam Kỳ, bên cạnh đầu tư các hạng mục nhà máy xử lý nước, tuyến ống nước thô, tuyến ống truyền tải và lắp đặt tổng cộng 9.500 đồng hồ, doanh nghiệp còn xây dựng Trung tâm Kiểm định chất lượng nước. Đây sẽ là cửa “sát hạch” nghiêm ngặt chất lượng nguồn nước trước khi bơm vào hệ thống mạng tuyến ống phân phối. TS. Ngô Đức Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam khẳng định, với quy mô công suất hiện tại của nhà máy và hệ thống ống truyền tải bao phủ, Nhà máy nước Tam Kỳ đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của cư dân đô thị loại 2, cũng như phục vụ nước sản xuất tại các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn, nhất là Khu công nghiệp Tam Thăng từ nay đến năm 2030.

Thương hiệu nước đóng chai QNA

“Nhà máy nước Tam Kỳ cũng như nhà máy nước đóng chai sử dụng công nghệ của Mỹ, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Đây là dự án thực hiện đúng tiến độ cam kết, đáp ứng được mục tiêu nước sạch của đô thị loại 2”.
(TS. Ngô Đức Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam)

Trong khuôn viên diện tích rộng 3ha, Nhà máy nước Tam Kỳ nằm ở vị trí trung tâm của thành phố. Từ trên cao nhìn xuống, công trình như “lá phổi xanh”. Đi vào nhà máy, gặp ngay hệ thống dây chuyền sản xuất tân tiến, hoạt động 24/24 giờ. Các ao hồ bao bọc chung quanh nhà máy với hạng mục cây xanh rợp bóng, tạo cảm giác mát lành. Nhà máy được thiết kế xây dựng khang trang, bề thế nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên. Theo đánh giá của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, chất lượng thi công các công trình từ hạng mục khu xử lý đến lắp đặt đường ống và đấu nối đồng hồ đều được Ngân hàng Thế giới (cơ quan cho vay vốn ưu đãi) giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, TS. Ngô Đức Trung và cộng sự đã rất thành công khi ứng dụng thực tế công nghệ lắng lọc cát tuần hoàn với hạng mục hai khu xử lý nước có công suất 20.000m3/ngày đêm. Đây là công nghệ mới, dựa trên kết quả nghiên cứu đề tài khoa học của TS. Ngô Đức Trung được UBND tỉnh công nhận và ủng hộ cao từ đoàn giám sát của Ngân hàng Thế giới. Tính ưu việt của công nghệ này là sản xuất, lắp ráp dưới dạng modun có dung tích 50m3 - 5.000m3/ngày đêm, vận hành đơn giản, chiếm diện tích đất nhỏ, tiết kiệm cả chi phí đầu tư lẫn vận hành.

Năm 2017, chiến lược sản xuất, kinh doanh của công ty còn mở rộng sang lĩnh vực sản xuất nước uống đóng chai nhãn hiệu QNA trong khuôn viên Nhà máy nước Tam Kỳ, với công suất 6.000 lít/giờ. Có mặt tại nhà máy nước đóng chai, chúng tôi chứng kiến một quy trình sản xuất khép kín và hiện đại. Chỉ có 5 - 7 công nhân mà vẫn điều hành thông suốt cả dây chuyền sản xuất nước uống. Công nhân Bùi Thị Lệ Diễm (quê ở xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành), làm việc tại nhà máy hơn 1 tháng nay, bộc bạch: “Chúng tôi làm theo ca, giờ. Ở đây, hầu hết công đoạn do máy móc, thiết bị thực hiện, công nhân lao động chủ yếu làm phần việc dán nhãn mác lên chai và đóng thùng. Công việc khá nhẹ nhàng, thu nhập tháng đầu tiên của tôi hơn 3 triệu đồng”. Ông Trần Văn Bộ - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, kiêm Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Tam Kỳ cho biết, nhà máy nước đóng chai hoạt động trên dây chuyền công nghệ tự động, thiết bị xử lý nước được sản xuất từ Mỹ và lần đầu tiên xuất hiện tại khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng, với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng đã bắt đầu xuất bán ra thị trường. Dây chuyền sản xuất lấy nước từ hồ Phú Ninh đã qua xử lý tại cụm xử lý lắng lọc của Nhà máy nước Tam Kỳ nên chất lượng sản phẩm hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về nước uống, đảm bảo yêu cầu của người tiêu dùng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cấp nước cho hơn 20.000 hợp đồng sử dụng
Năm 1983, Nhà máy nước Tam Kỳ được xây dựng với công suất 5.000m3/ngày đêm, cấp nước cho hơn 3.000 hộ dân thị xã Tam Kỳ. Đến năm 1997, nhà máy nâng cấp công suất lên thành 15.000m3/ngày đêm bằng nguồn vốn của Phần Lan và đưa vào vận hành chính thức từ năm 2002. Đến năm 2015 nhà máy mở rộng nâng công suất thêm 10.000m3/ngày đêm, bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Nhà máy ứng dụng công nghệ lọc nước tiện ích, đây là đề tài khoa học - sáng kiến cải tiến kỹ thuật do Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam - TS. Ngô Đức Trung làm chủ nhiệm đề tài. Năm 2016, công ty tiếp tục huy động vốn và đầu tư xây dựng thêm modun xử lý nước với công suất 10.000m3/ngày đêm, nâng tổng công suất thiết kế của Nhà máy nước Tam Kỳ hiện nay lên thành 35.000m3/ngày đêm, năng lực cấp nước của nhà máy có thể đạt 42.000m3/ngày đêm. Nhà máy hiện cấp nước cho hơn 20.000 hợp đồng sử dụng nước; trong đó có các Khu công nghiệp Tam Thăng, Thuận Yên, Cụm công nghiệp Trường Xuân (TP.Tam Kỳ), Cụm công nghiệp Chợ Lò (Phú Ninh).
Được biết, dự án mở rộng hệ thống cấp nước và nhà máy sản xuất nước uống đóng chai có tổng kinh phí đầu tư 339 tỷ đồng.

BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khánh thành Nhà máy nước Tam Kỳ: "Lên hạng" cùng đô thị 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO