Khao khát dòng nước sạch

QUỐC TUẤN 01/08/2017 08:17

Nhiều năm qua, hàng ngàn người dân ở một số địa phương thuộc thị xã Điện Bàn vẫn chưa thể tiếp cận nguồn nước sạch đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày.

Sau lưng các khu vườn của nhà dân ở khối phố 7A (phường Điện Nam Đông) là nghĩa trang và nhà máy rác khiến chất lượng nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Q.TUẤN
Sau lưng các khu vườn của nhà dân ở khối phố 7A (phường Điện Nam Đông) là nghĩa trang và nhà máy rác khiến chất lượng nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Q.TUẤN

Thấp thỏm nước nhiễm bẩn

Từ quốc lộ 1 đi sâu vào các cung đường thuộc xã Điện Thắng Nam những ngày này có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đèo xe máy chở nước bình hoặc các thùng nước sinh hoạt về nhà để sử dụng bởi nguồn nước ở các thôn như Phong Lục Nam, Phong Lục Đông bị nhiễm phèn nặng và không đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Lang - Trưởng thôn Phong Lục Nam cho biết: “Cả thôn có 128 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu thì gần như tất cả đều phải sử dụng nước bình hoặc chở nước từ nơi khác về để ăn, uống bởi chất lượng nước ngầm ở đây rất kém”. Được biết, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, UNICEF có tổ chức lắp đặt khoảng 15 giếng bơm nước sạch tại thôn Phong Lục Nam nhưng hiện nay nước đều bị nhiễm phèn nặng. Nhiều hộ gia đình khác trong thôn tự đào giếng và dùng nguồn nước này để tắm rửa nhưng cũng rất lo lắng. Đây cũng là tình trạng chung của một số thôn khác nằm rải rác ở các xã Điện Thắng Bắc, Điện Hòa. Người dân nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp HĐND, tiếp xúc cử tri… từ năm 2015 đến nay nhưng vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Ngay cả ở vùng đông của Điện Bàn tình trạng thiếu nước sinh hoạt đạt chất lượng cũng diễn ra tại nhiều nơi, trong đó đáng báo động hơn cả là khu vực khối 7A của phường Điện Nam Đông. Khu vực này bị bao quanh bởi nhà máy thép, nhà máy rác Hội An, nghĩa trang nhân dân Cẩm Hà và một cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông Võ Như Quảng, một người dân địa phương cho hay, lo nhất vẫn là lớp trẻ cứ hàng ngày phải sinh hoạt bằng nguồn nước ngầm không đạt chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ 6 - 7 năm nay nguồn nước ngầm ở đây không còn ngọt như trước đôi khi có váng mỡ, chua và phải lọc qua nhiều lần mới dám sử dụng. Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, vấn đề này đã được chính quyền thị xã nhiều lần đưa ra các hội nghị để bàn bạc, xem xét. Thế nhưng, do  nguồn vốn đầu tư còn quá hạn hẹp nên phải tìm hướng giải quyết từng bước.

Tìm hướng giải quyết

Hiện nay, Xí nghiệp Cấp thoát nước Điện Bàn là đơn vị chủ lực cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn thị xã với tổng số 9.021 hộ của 9 xã, phường. Vừa qua, đơn vị đã cải tạo lại nâng công suất cung cấp thêm 1.000m3/ngày đêm bởi nhà máy nước mà xí nghiệp xây dựng ở xã Điện Phước với công suất 3.000m3/ngày đêm thường xuyên bị thiếu hụt vào mùa khô và lễ tết. Ông Võ Hiền - Phó Giám đốc Xí nghiệp cấp thoát nước Điện Bàn cho biết: “Từ năm 2010 đơn vị đã bắt đầu cổ phần hóa và đến năm 2017 chuyển sang hoạt động với 100% vốn tư nhân nên việc cung cấp nước sinh hoạt phải tính toán kỹ lưỡng để cân đối tài chính”. Có nhiều khu vực dân cư sống rải rác không tập trung thì việc lắp đặt, cấp nước đến để phục vụ cho người dân rất khó khả thi bởi chi phí cao, đã vậy khi lắp đặt xong thì công suất sử dụng của người dân cũng rất thấp. Cách khắc phục tốt nhất tình trạng này theo ông Hiền chính là nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp phải bắt tay nhau cùng làm để hài hòa lợi ích các bên.

Để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt tại các xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung, Điện Hòa và 5 phường vùng đông trong tháng 6 vừa qua, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam đã tiến hành khởi công dự án nhà máy cấp nước đô thị Điện Nam - Điện Ngọc với công suất khoảng 15.000m³3/ngày đêm đặt tại Cụm công nghiệp Trảng Nhật (xã Điện Thắng Trung) dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2018. Về các giải pháp trước mắt nhằm đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: “Sắp tới thị xã sẽ tiến hành xã hội hóa giao lại các cơ sở cung cấp nước sử dụng không hiệu quả cho các đơn vị, tổ chức đủ năng lực để vận hành cung cấp nước cho người dân. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức quan trắc xác định chất lượng nước tại các điểm nóng từ đó đưa ra khuyến cáo người dân dùng hệ thống lọc đủ tiêu chuẩn để đảm bảo sức khỏe trong thời gian chờ nhà máy nước hoàn thiện”.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khao khát dòng nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO