Khao khát phía thượng nguồn

NGUYỄN ĐIỆN NAM 13/08/2023 07:40

Những năm đầu tái lập tỉnh, nghe phân công lên núi là phải chuẩn bị đi cả tuần, vì cả 9 huyện miền núi Quảng Nam đều có chung thực trạng đường sá quá khó khăn, giao thông kết nối vùng cao với đồng bằng chỉ dăm ba tuyến đường rải nhựa hồi chiến tranh còn sót lại. 

Quãng 1998, theo đoàn khảo sát tuyến 14D từ Bến Giằng lên Đắc Tà Oọc, phải qua nhiều đoạn chèn cây rừng vượt suối khe. Lên núi rừng Hiệp Đức năm 1999, muốn tới Phước Gia, Phước Trà phải băng qua bến đò Tân An, rồi theo đường đất gồ ghề như sống lưng trâu già, đi qua nhiều “khâu rựa”.

Còn hướng Trà My theo tuyến độc đạo, qua nhiều ngầm, nhiều đoạn chênh vênh tưởng như ngược lên trời. Đó là chỉ nói những tuyến huyết mạch, còn từ trung tâm các huyện lỵ miền núi đi các xã thì phải qua bao dốc đồi đường đất, đường mòn, lắt lẻo cầu treo... 

Điểm vài ký ức để thấy khao khát lúc ấy là có đường. Thượng nguồn về xuôi nếu không có đường kết nối thông suốt thì bà con ở núi cứ mãi chọc trỉa, hái lượm để tự cung tự cấp. Mỗi mùa mưa bão đến miền núi gần như biệt lập, muốn cõng gạo muối từ đồng bằng lên cũng không dễ.

Bên cạnh đường sá là muôn vàn khó khăn khác về hạ tầng, trường trạm đều tạm bợ, liên lạc vô tuyến chỉ vài máy điện thoại cố định ở huyện, đói đau thường xuyên. Bởi vậy, đồng bào khổ, hơn chín phần mười dân số đói nghèo, cán bộ ở miền xuôi tăng cường lên cũng rạc. Anh Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My kể hồi 1985 anh lên núi công tác, dành cả tháng lương không tiêu gì mà chỉ mua được đôi dép lào!

Khát hàng hóa, thuốc men, mắm muối, điện thoại, phương tiện nghe nhìn… bao cơn khát ấy giờ đây đã vơi đi nhiều. Những hàng tiêu dùng thiết yếu miền xuôi có thì núi cũng có, nhờ giao thương qua những con đường kết nối Đông - Tây, Nam - Bắc được đầu tư nâng cấp hoặc mở mới.

Vậy nên rất mừng khi nghe Sở KH&ĐT báo cáo với Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây của tỉnh, rằng đến nay có 97% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; có 32/93 xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,64%; thu nhập bình quân đầu người đạt 22,65 triệu đồng/năm, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2020 và gấp đôi so với năm 2016…

Dĩ nhiên so sánh các số liệu đó với những địa phương đồng bằng thì miền núi sao “tiến kịp miền xuôi”, nhưng sự đổi thay dù chậm vẫn theo hướng tích cực, tịnh tiến về phía trước. Ngay chuyện đi lại, chỉ cần trong ngày có thể từ tỉnh lỵ đến nơi xa nhất, là rút ngắn khoảng cách khá nhiều. 

Tuy đi lên nhưng đời sống có bao giờ ngừng khao khát? Mỗi nấc thang là sự thay đổi tiêu chuẩn nhu cầu. Như từ bếp củi, đèn dầu lên đèn điện, bước đi của ánh sáng đẩy lùi bóng tối là sự tiếp nối liên tục bền bỉ. Chưa nói là những gì miền núi đối mặt vẫn giăng mắc gập ghềnh.

Thêm nữa, biến đổi khí hậu khó lường, gây sạt lở, núi chảy, đường hư, nhà sụp… đòi hỏi phải tái thiết hạ tầng sau thiên tai; nhiều nơi sắp xếp dân cư để ổn định chỗ ở và sinh kế lâu dài vẫn còn khó nhọc; việc giữ rừng và trồng dược liệu dưới tán rừng còn vướng cơ chế, chính sách; giải quyết lao động - việc làm để cải thiện thu nhập chưa có bước đột phá…

Do vậy đòi hỏi Quảng Nam cần huy động nguồn lực lớn để đầu tư cho miền núi (ngay đầu năm 2023 tỉnh đã bố trí hơn 2.022 tỷ đồng). Bên cạnh xúc tiến triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết số 12 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. 

Khao khát phía thượng nguồn vẫn luôn là dòng chảy với ước mong đời sống đồng bào ấm no hơn, văn minh hơn, giữ rừng và giữ nguồn mạch văn hóa bền vững hơn!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khao khát phía thượng nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO