Khảo nghiệm cây quinoa ở Quảng Nam: Cần nghiên cứu, đánh giá sát thực tiễn

BÍCH LIÊN 13/06/2017 08:37

Cây quinoa (cây diêm mạch) được trồng khảo nghiệm tại một số địa phương ở Quảng Nam và Quảng Trị nhằm phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Và thực tế cho thấy, cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu, khảo nghiệm mô hình, đánh giá kỹ lưỡng bởi cây quinoa dễ bị nhiễm bệnh…

Nhận xét của người trồng

Sau 2 năm triển khai nghiên cứu, di thực, nhiều mô hình trồng cây quinoa đã được triển khai thí điểm ở những vùng có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên đối mặt với nguy cơ khô hạn và thiếu nước tưới ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị. Tại Quảng Nam, các mô hình được triển khai ở vùng khô hạn, thiếu nước tưới và vùng cát trắng thuộc các xã Bình Nam (Thăng Bình), Tam Đàn (Phú Ninh), Tiên Thọ (Tiên Phước). Ở Thăng Bình, Phú Ninh và Tiên Phước với mỗi mô hình khảo nghiệm cây quinoa có diện tích 500m2, sản xuất trên nhiều vụ. Tại Phú Ninh, mô hình triển khai tại hai hộ dân, là ông Trần Văn Lữ (thôn Hòa Bình, xã Tam Thái) và ông Hồ Văn Chuyền (xã Tam Đàn, thuộc khuôn viên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học của Sở KH&CN).

Cây quinoa được gieo trồng khảo nghiệm. Ảnh: B.L
Cây quinoa được gieo trồng khảo nghiệm. Ảnh: B.L

Triển khai sản xuất khảo nghiệm quinoa hai vụ liên tiếp, ông Trần Văn Lữ chia sẻ: “Vốn là đối tượng cây trồng mới mẻ nên ban đầu chúng tôi gặp khó khăn trong tiếp cận kỹ thuật gieo trồng, nhờ được hướng dẫn kỹ lưỡng, chúng tôi chăm sóc cây cẩn thận, ghi nhật ký cụ thể từng giai đoạn cây nảy mầm, sinh trưởng và phát triển, ra hoa, kết hạt, thu hoạch. Song, thực tế cho thấy là cây trồng trên đất này có tỷ lệ nảy mầm không cao so với cây mè, vốn là đối tượng cây trồng chính trên đất này. Vụ đông xuân 2016 - 2017, cây vừa gieo trồng xuống gặp thời tiết khắc nghiệt, dù  chăm sóc kỹ lưỡng, cây vẫn bị sâu bệnh nhiều, chưa đạt năng suất như dự kiến. Vì lẽ đó, cần phải có thêm thời gian khảo nghiệm mới có thể đánh giá được”. Ông Chuyền cũng có nhận xét đánh giá tương tự.

Còn ông Trần Đình Cư (xã Tiên Thọ, Tiên Phước) cũng gặp khó khăn khi triển khai sản xuất. “Ban đầu cây phát triển rất tốt, tuy nhiên do chúng tôi chưa hiểu rõ đặc tính của cây trồng mới này lắm nên việc theo dõi sâu bệnh chưa liên tục, kịp thời, khi cây nhiễm bệnh thì xử lý không kịp” - ông Cư nói. Nhìn chung, theo nhiều hộ tham gia khảo nghiệm, bên cạnh gặp khó về kỹ thuật phòng trừ, xử lý dịch bệnh, người dân cũng lo ngại bởi cây quinoa được mệnh danh là cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu, có thể sống tốt ở sa mạc, vùng thiếu nước tưới, song hầu hết mô hình triển khai đều phải tưới nước thường xuyên để cây sinh trưởng, phát triển và ngược lại. Từ thực tế đó, nhiều hộ dân cho rằng, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu, đánh giá, khảo nghiệm kỹ lưỡng của giới khoa học về loại cây mới này để có thể hỗ trợ người dân lựa chọn, tiếp cận với giống sao cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng, giúp người dân được hưởng lợi.

Cần khảo nghiệm thêm

ThS. Nguyễn Văn Thương (Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Nam) cho biết, thực tế khảo nghiệm 2 năm qua, nhìn chung, các mô hình cây trồng đều phát triển tương đối tốt. Hiện, mỗi ký hạt quinoa trên thị trường có giá 400.000 đồng, nếu tính năng suất, mỗi héc ta đạt 0,45 - 0,5 tấn, mỗi sào trồng thu về 25kg, ước tính giá trị tương đương 90 triệu đồng. Nếu trồng khảo nghiệm thành công thì cây quinoa sẽ mở ra một hướng đi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bước đầu mang lại tín hiệu vui cho bà con nông dân. Còn tại Quảng Trị, theo ThS. Trần Thị Hân - Giám đốc Trung tâm KH&CN Quảng Trị, Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung, việc di thực  loài cây này trồng tại địa phương bước đầu đã thành công. Việc chọn giống cho các mô hình, chúng tôi chọn giống ngắn ngày, có vòng đời sinh trưởng 3 - 4 tháng do TS. Kathia, Tập đoàn Bolivia hỗ trợ. Chúng tôi cũng cung cấp cho tiến sĩ về một số đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu của vùng khảo nghiệm để được tư vấn giống phù hợp. Song, để nhân rộng đại trà thì cần có những nghiên cứu tiếp theo, ví như cách thức phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là bệnh sương mai làm cho năng suất kém…”. Cũng theo ThS. Hân, thời gian tới, ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) các tỉnh để tìm phương án điều trị dịch bệnh, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác chuẩn, tổ chức tập huấn rộng rãi để người dân nắm rõ.

Cây quinoa (cây diêm mạch), được phát hiện ở vùng núi Andes từ 5.200 đến 7.000 năm trước Công nguyên và được người dân da đỏ trồng làm cây lương thực từ 4.000 năm nay. Cây cao 1 - 2m, hạt có đường kính 2mm,  trọng lượng 350 hạt/g, có nhiều màu đỏ, trắng, vàng, đen… Cây có thể được trồng ở vùng thấp đến núi ở độ cao 800 - 4.000m so với mặt biển, nhiệt độ mát, có lượng mưa 300 - 1.000mm/năm. Cây phù hợp với những chân đất thoát nước tốt, nghèo chất dinh dưỡng, pH từ 6 - 8,5, có thể chịu đất có độ mặn cao vùng ven biển, vùng khí hậu nông như sa mạc, đất nhiễm mặn, chua, chịu lạnh, rét… Thời vụ gieo trồng 110 - 180 ngày, tùy giống. Về đặc trưng, hạt quinoa giống như hạt kê, có màu vàng xám, đây là loại hạt có hàm lượng protein cao nhất trong các loại hạt, cũng là hạt có hàm lượng chất dinh dưỡng tổng thể rất phong phú. Quinoa được FAO chọn là một trong những cây lương thực hướng đến đảm bảo an toàn lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với những nhược điểm của cây quinoa khi trồng khảo nghiệm trong 2 năm qua cho thấy chúng vẫn rất cần phải tưới nước thường xuyên, lại dễ nhiễm sâu bệnh nên cần phải tiếp tục kéo dài thời gian trồng khảo nghiệm mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khảo nghiệm cây quinoa ở Quảng Nam: Cần nghiên cứu, đánh giá sát thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO