Phát triển xanh, bền vững là xu thế du lịch được định hướng trong thời gian đến của Quảng Nam. Vì vậy một khi tổ chức cải tạo lại, nhất là khai thác các điểm đến mới rất cần có các khảo sát tổng thể về xã hội học để định hướng sản phẩm phù hợp ngay từ lúc bắt đầu.
Còn nhiều tồn tại
Mỗi sản phẩm du lịch đều có vòng đời của nó theo thứ tự hình thành - phát triển - bão hòa - suy thoái; do đó bất kỳ sản phẩm nào dù có đạt được thành công lớn cũng đều có thời hạn và cần phải được làm mới. Điều đáng bàn ở đây là việc một số điểm đến, sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh dù đang trong thời kỳ phát triển chưa đến mức bão hòa hoặc mới ở bước hình thành nhưng không thu hút được du khách chứng tỏ ít nhiều đã vấp phải trục trặc.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chúng ta thường hay lấy tiêu chí về lượng vé hoặc số tiền thu được để đánh giá sự thành công của điểm đến nhưng chưa có một thước đo cụ thể để đánh giá tổng quan điều này hay nói cụ thể hơn là cần một hệ quy chiếu để nhìn nhận. Đứng về phía người làm du lịch, ngay cả một vài điểm đến thu hút khách đông đảo ở Hội An thời gian qua vẫn còn gặp nhiều tồn tại.
Trong một cuộc họp về phát triển du lịch Quảng Nam diễn ra cuối năm 2020, đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh thông tin, qua các chuyến làm việc khảo sát ở cơ sở gặp không ít trường hợp nhu cầu được hỗ trợ của người dân ở điểm du lịch có sự khác biệt với chính sách đưa ra. Đơn cử người dệt chiếu ở làng chiếu Thạch Tân (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) không có nhu cầu hỗ trợ vay vốn nhiều mà cần đầu ra ổn định và mong muốn có nhiều hơn du khách đến trải nghiệm.
Hay một số trường hợp khác xây dựng sản phẩm du lịch nhưng chưa khảo sát kỹ về các đặc tính văn hóa, tự nhiên bản địa. Từ đó dẫn đến sản phẩm bao năm vẫn ì ạch hoặc sớm nở chóng tàn như: làng cộng đồng Triêm Tây (thị xã Điện Bàn), làng cộng đồng Trà Nhiêu, làng cộng đồng Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), làng bích họa Tam Thanh (TP.Tam Kỳ)…
Cần thiết đẩy mạnh
Vừa qua, nhóm chuyên gia của Đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) phối hợp nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ bền vững cũng như tiềm năng, triển vọng phát triển bền vững của du lịch biển, đảo Cù Lao Chàm.
Kết quả khảo sát đưa ra đánh giá rằng, tiêu chí “kinh tế” đạt ở mức rất tốt (83,4/100 điểm), tức là đã đạt trạng thái bền vững tuy nhiên số điểm về tiêu chí “văn hóa - xã hội”, “môi trường”, “cộng đồng phát triển du lịch” và “phát triển du lịch bền vững” đều ở mức thấp hơn và ở dạng bền vững tiềm năng.
Theo PGS-TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Đại học KH-XH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), dạng bền vững tiềm năng tức là trong tương lai nếu có chính sách và giải pháp du lịch đúng đắn, sự bền vững của các yếu tố này sẽ nâng lên và đem lại sự bền vững chung cho điểm đến.
Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh lan tỏa hoạt động du lịch về phía nam và phía tây của tỉnh. Điều này sẽ dẫn đến việc khai thác thêm nhiều điểm đến mới đưa vào phục vụ du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Ông Phan Xuân Thanh cho rằng: “Với bản chất của du lịch cộng đồng thì văn hóa sống bản địa rất quan trọng. Việc hỗ trợ khảo sát nguồn gốc của làng, số lượng người, trình độ cư dân bản địa thậm chí thông tin về thảm thực vật, động vật, lối sống địa phương cũng cần phải thu thập. Có như vậy mới tạo nền tảng xây dựng hiệu quả sản phẩm phục vụ du lịch”.
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN nhìn nhận, đây là đề xuất hay và cơ quan chức năng cần tổ chức phối hợp nghiên cứu một cách bài bản, sâu sắc để có được nhận thức chung, góp phần đẩy mạnh du lịch địa phương.