Khắp nơi gồng mình chống bão

14/09/2015 14:03

  • Tin bão khẩn cấp

(QNO) - Trước diễn biến của bão số 3, ngay trong sáng nay UBND tỉnh, các địa phương và người dân đã triển khai nhiều phương án phòng chống. 

* Sáng ngày 14.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình ứng phó với con bão số 3 tại huyện Núi Thành. 

Đi kiểm tra tại khu neo đậu tàu thuyền thuộc xã Tam Quang và Hố chứa Hố Cái (xã Tam Mỹ Đông) trưa 14.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị huyện Núi Thành tăng cường công tác ứng phó với bão số 3; phân công thành viên đứng điểm chỉ đạo, nhất là các vùng ven biển ven sông; di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nghiêm cấm tàu bè ra khơi, hạn chế đi lại, tránh thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra. Buổi chiều 14.9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Núi Thành họp khẩn cấp tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3. (VĂN PHIN)

* Theo Ban Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn (PCBL và TKCN) huyện Tiên Phước, huyện đã tổ chức đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 trên địa bàn huyện vào sáng nay.

Nhiều ghe thuyền của ngư dân dã đưa vào các âu thuyền tránh bão sáng 14.9. Ảnh: MINH HẢI
Nhiều ghe thuyền của ngư dân dã đưa vào các âu thuyền tránh bão sáng 14.9. Ảnh: MINH HẢI

Đến nay, tất cả các xã, thị trấn ở Tiên Phước đã tích cực thông báo nội dung phòng chống bão số 3 theo tinh thần công điện khẩn của tỉnh, huyện. Các ban PCBL các xã, thị trấn đang triển khai trực 24/24 để theo dõi và ứng phó kịp thời; kêu gọi, vận động người dân tự chằng chống nhà cửa. Tại các điểm có khả năng xảy ra sạt lở ở các xã Tiên An, Tiên Hà, Tiên Cảnh… đã chuẩn bị phương án di dời trong trường hợp xảy ra sạt lở đất khi có mưa lớn. Đặc biệt tại khu vực núi Đầu Voi (xã Tiên An) chính quyền địa phương đã vận động người dân không trở lại khu vực dễ xảy ra lở đất trước, trong và sau khi bão số 3 diễn ra đề phòng xảy ra tai nạn, cư trú an toàn tại khu tái định cư mới.(ĐOÀN ĐẠO)

* Cũng trong đầu giờ chiều nay, Ban PCBL và TKCN huyện Núi Thành đang triển khai họp để triển khai các phương án ứng phó với bão số 3. Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã đi kiểm tra, chỉ đạo triển khai công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Núi Thành. (ĐOÀN ĐẠO)

* Nhằm chủ động phòng chống bão tại các công trình giao thông đang thi công trên địa bàn tỉnh, từ gần trưa cho đến suốt buổi chiều nay 14.9, Ban Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã và đang đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại hầu khắp những địa bàn giao thông xung yếu, nhất là các công trình đang thi công. Theo đó, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Nhân trực tiếp đến hiện trường công trình cầu Cẩm Kim (Hội An), cầu Giao Thủy (Đại Lộc), một số bến đò ngang dọc sông Vu Gia, Thu Bồn. Phó Giám đốc Trần Thanh An về nắm tình hình tại các huyện Duy Xuyên, Hiệp Đức, Quế Sơn; Phó Giám đốc Lê Văn Sinh lên kiểm tra địa bàn các địa phương miền núi.

CSGT tiến hành chốt chặn phương tiện tự do lưu thông trên cầu Cửa Đại. Ảnh: MINH HẢI
CSGT tiến hành chốt chặn phương tiện tự do lưu thông trên cầu Cửa Đại. Ảnh: MINH HẢI

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Nhân cho biết, lãnh đạo ngành đã chỉ đạo nhà thầu cầu Cẩm Kim nhanh chóng thu xếp cầu phao (phục vụ thi công) vào vị trí an toàn, tránh để bị đứt trôi. Lãnh đạo ngành cũng đã chỉ đạo trạm cân lưu động đang đặt tại ĐT609 tiến hành thu dọn, đảm bảo an toàn về người và tài sản của Nhà nước. Với cương vị là Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, ông Nguyễn Văn Nhân yêu cầu các thành viên, Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nghiêm cấm phương tiện lưu thông trong mưa bão, phòng tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra do đi lại trước, trong và sau khi bão ập đến. (CÔNG TÚ)

(QNO) - Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam Online lúc 15 giờ chiều nay 14.9, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua số liệu thống kê mới nhất từ các địa phương báo về thì hiện giờ toàn tỉnh vẫn còn 3.500ha lúa vụ hè thu 2015 chưa thu hoạch. Trong đó, khu vực miền núi 3.000ha và vùng đồng bằng 500ha. Ông Muộn nói: “Trong ngày hôm nay lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng một số đơn vị liên quan đã đi kiểm tra thực tế tại nhiều nơi. Qua đó, yêu cầu chính quyền cấp cơ sở phải tích cực vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch những ruộng lúa đã chín ở các vùng trũng thấp nhằm hạn chế thiệt hại do tình trạng ngập úng gây ra”.

Theo ông Lê Muộn, tính đến chiều 14.9, trên địa bàn tỉnh cũng còn ít nhất 1.000ha bắp các loại chưa kịp thu hoạch do gieo trồng trễ vụ. (NGUYỄN SỰ)

* Tại Hội An, ngay sáng nay (14.9), UBND TP.Hội An đã họp khẩn cùng triển khai phòng chống bão số 3. 

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An đã chỉ đạo các ban, ngành và 13 xã, phường triển khai khẩn cấp phòng chống bão. “Phải xem lại các nhà dân tạm bợ để giúp người dân chằng chống nhà cửa, các di tích, nhà cổ đã xuống cấp, xem lại các công trình, tuyến đê, kè biển để có biện pháp đối phó. Đồng thời có phương án sơ tán dân cục bộ tại các vùng sung yếu, ven biển, đề phòng bão vào nước biển dâng cao...” - ông Dũng chỉ đạo.

Hàng trăm phương tiện tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh Minh Hải
Hàng trăm phương tiện tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: MINH HẢI

Để bảo đảm an toàn tài sản, phương tiện của ngư dân và doanh nghiệp, ngay trong sáng, Bộ đội Biên phòng Cửa Đại đã thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện tàu thuyền và ca nô cao tốc vào neo đậu ở những khu vực an toàn. Tính đến 14 giờ cùng ngày, đã có trên 900 phương tiện đánh bắt khai thác thủy, hải sản trong tỉnh, khu vực cùng 120 ca nô cao tốc vào neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều tại xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), âu thuyền trên địa bàn phường Cẩm Nam và rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh (TP.Hội An). Thành phố đã chỉ đạo cho tất cả học sinh từ mầm non đến cấp 3 nghỉ học. Ngoài ra các ban, ngành và địa phương phải túc trực 24/24, và chuẩn bị đầy đủ phương tiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó và giúp đỡ nhân dân nếu xảy ra tình huống xấu.

Theo quan sát, trong sáng qua tại Hội An đã có gió giật cấp 7, cấp 8, Công an Hội An phối hợp chốt chặn tại hai đầu cầu Cửa Đại, cấm người và phương tiện qua lại vì gió trên cầu này rất lớn.

Người dân tích cực chèn chống nhà cửa. Ảnh Minh Hải
Người dân tích cực chằng chống nhà cửa. Ảnh: MINH HẢI

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam qua điện thoại, Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm cho biết: “Ngay trong sáng nay, cán bộ chiến sĩ của đồn phối hợp với lực lượng Bộ đội D70 và xã Tân Hiệp cùng bà con trên đảo đưa các ghe thuyền nhỏ lên bờ. Đến 11 giờ trưa, các lực lượng đã đưa 36 ghe thuyền tại thôn Bãi Hương, 13 ghe thuyền tại Bãi Chồng, 26 chiếc khác tại Bãi Ông lên bờ. Đồng thời hướng dẫn gần 300 phương tiện tàu thuyền của bà con và ngư dân các tỉnh lân cận đang đánh bắt tại vùng biển Cù Lao Chàm vào âu thuyền trên đảo trú bão. Đồng thời triển khai giúp nhân dân chằng chống nhà cửa và các hàng quán tại các điểm du lịch ở Bãi Ông, Bãi Chồng và Bãi Hương”. Theo Thượng tá Mỹ, lo ngại nhất là trên 10 tàu hàng hải có trọng tải lớn và gần 100 thủy thủ, hiện đang neo đậu tại Cù Lao Chàm, nếu bão đổ bộ sẽ rất nguy hiểm.

Dù tôm chưa đến kỳ thu hoạch nhưng người dân lo mất trắng nên thu hoạch non. Ảnh Minh Hải
Dù tôm chưa đến kỳ thu hoạch nhưng người dân lo mất trắng nên thu hoạch non. Ảnh Minh Hải

Đồn Biên phòng đã liên lạc với các thuyền trưởng tàu này chỉ đạo đưa tàu vào cảng Đà Nẵng neo đậu, nhưng do sóng biển quá lớn, các tàu này không thể duy chuyển được, đành phải đậu tại đảo. Đồn đã điều tàu ra đưa các thủy thủ vào bờ nhưng sóng to, gió lớn giật trên cấp 8 nên không thể tiếp cận được các tàu này.

Trước đe dọa của mưa bão, người dân nuôi tôm cá tại vùng ven sông tại Hội An lo sợ mất trắng nên tranh thủ thu hoạch non, nhiều người chấp nhận thương lái ép giá vì không còn cách nào khác. (MINH HẢI)

* Ông Trần Ngọc Minh – Chủ tịch UBND xã Quế Lưu (huyện Hiệp Đức) cho biết, ngoài 196ha cao su đại điền của Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam thì hiện nay trên địa bàn xã còn có hơn 313ha cao su tiểu điền do 254 hộ dân địa phương trồng.

Theo ông Minh, trước thông tin cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Nam, ngay từ sáng sớm nay 14.9 chính quyền xã Quế Lưu đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nhanh chóng gia cố lại nhà cửa và khẩn trương chặt tỉa cành, chèn chống vườn cao su nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại khi tình huống xấu xảy ra. Ông Minh nói: “Cơn bão số 11 năm 2013 đã khiến 112ha cao su (trong đó có 35ha đang khai thác mủ - PV) của 74 hộ dân ở xã Quế Lưu bị gãy đổ nghiêm trọng, tổng giá trị thiệt hại lên đến hơn 3,3 tỷ đồng. Vì vậy, khi nghe tin cơn bão số 3 sắp ập tới, người dân nơi đây hết sức lo lắng và dồn mọi nỗ lực để bảo vệ vườn cao su”.

Cơn bão số 11 năm 2013 gây gãy đổ hàng loạt vườn cao su ở nhiều địa phương. Ảnh: Văn Sự
Cơn bão số 11 năm 2013 gây gãy đổ hàng loạt vườn cao su ở nhiều địa phương. Ảnh: VĂN SỰ

Ngoài xã Quế Lưu, trong ngày hôm nay 14.9 hàng nghìn người dân, công nhân ở các địa phương khác của huyện Hiệp Đức, Núi Thành, Nông Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Thăng Bình, Đông Giang… cũng đã tập trung cao độ cho việc kéo níu, chặt tỉa cành những vườn cao su tiểu điền và đại điền để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. (VĂN SỰ)
* Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 trên biển Đông, tổ giúp việc Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Núi Thành phân công các thành viên trực 24/24 giờ bắt đầu từ sáng thứ 2 (14.9) đến hết ngày thứ 7 (19.9).

Hai ca trực thay phiên nhau từ 7h30 sáng hôm trước đến 7h30 phút sáng hôm sau nhằm tiếp nhận thông tin dự báo thời tiết và các văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh chuyển giao xuống cơ sở; tổ chức nắm tình hình các xãm thị trấn, cơ quan, đơn vị; theo dõi hoạt động tàu thuyền ngư dân hoạt động trên biển; quản lý và sử dụng tốt các trang thiết bị thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống cơn bão số 3.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn – Phó Trưởng phòng NN&PTNN – thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Núi Thành hiện nay toàn huyện còn 77 tàu cá với 2.068 thuyền viên chưa vào bờ đang tìm nơi trú ẩn.  (VĂN PHIN)

* Sáng nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thị xã Điện Bàn đã tổ chức họp khẩn các đơn vị liên quan cùng Chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn nhằm quán triệt lại kế hoạch ứng phó mưa bão đã ban hành trước đó. Thị xã đặc biệt lưu ý những địa phương vùng đông là nơi “đón” trước gió bão, vùng sạt lở ven sông khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng tránh, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm ngay trong buổi sáng. Các xã, phường ưu tiên bố trí xen ghép hộ già yếu, neo đơn, người tàn tật vào ở nhà kiên cố của cư dân ngay trong tổ, thôn, khối phố. Thị xã cũng đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị kiểm tra, yêu cầu nhà thầu đang thi công mở rộng cống chui tại tuyến tránh Vĩnh Điện phải có giải pháp đảm bảo an toàn công trình, có tránh sạt lở gây nguy hiểm cho những hộ phía tây cống chui. Theo ông Nguyễn Đức Tuy - Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND thị xã, địa phương hiện còn có một số diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch. Chính vì vậy, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Điện Bàn yêu cầu chính quyền các xã, phường mà nhất là phường Điện Dương (còn 40ha) và phường Điện Nam Bắc (còn 3ha) chỉ đạo nhân dân nhanh chóng thu hoạch xong trước khi bão ập đến. Cũng theo ông Tuy, ngày 13.9, Điện Bàn đã tiến hành san lấp những ổ voi, điểm sụt lún trên tuyến ĐT609, đoạn qua địa bàn thị xã nhằm đảm bảo cho nhân dân lưu thông an toàn.

Người dân xã Điện Phước (Điện Bàn) chặt tỉa cành trước khi bão số 3 đổ bộ.
Người dân xã Điện Phước (Điện Bàn) chặt tỉa cành trước khi bão số 3 đổ bộ. Ảnh: CÔNG TÚ

* Cũng trong sáng nay, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Trần Văn Mai đã có công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các phương án nhằm ứng phó với cơn bão số 3 và lũ lụt diễn ra trong và sau bão. Công điện yêu cầu phải triển khai lực lượng xung kích ở địa phương giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển người đến nơi tạm trú an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu hộ, cứu nạn. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn và nghiêm cấm người, phương tiện đi lại trên những tuyến đường ngập sâu, nước chảy xiết; trong đó lưu ý đoạn ĐT609 qua 3 cây cầu Ba Khe thuộc địa bàn xã Đại Đồng và xã Đại Lãnh, đoạn ĐT609B qua cầu Đại Hiệp (xã Đại Hiệp). Trước việc trên địa bàn còn 600ha lúa ở ngoài đồng, Chủ tịch Trần Văn Mai yêu cầu các xã ở vùng B (550ha) và xã Đại Quang (50ha) đôn đốc bà con nhanh chóng gặt về. Huyện Đại Lộc cũng đã khuyến cáo bà con dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ dùng trong nhiều ngày nhằm ứng phó với tình trạng lũ lụt cô lập; cẩn thận khi chằng chống nhà cửa, di chuyển tài sản để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. (CÔNG TÚ)

* Để chủ động ứng phó với bão số 3 và mưa lớn trên địa bàn huyện Nông Sơn, hồi 14h chiều ngày 14.9, Ông Phạm Phú Thủy – Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện Nông Sơn cho biết: “Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn của huyện đã có Công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và chính quyền 7 xã  triển khai những biện pháp cấp bách nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 gây ra; chuẩn bị dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm, nhất là những nơi dễ bị chia cắt, cô lập do mưa lũ, đảm bảo cứu trợ cho nhân dân ít nhất là 10 ngày. Đồng thời, phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự, Công an, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện và các địa phương bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết sẵn sàng ứng cứu giúp nhân dân sơ tán đến nơi an toàn, triển khai các phương án đảm bảo an toàn các tuyến giao thông huyết mạch trước, trong và sau bão lụt nhằm đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện đi lại”.

“Hiện nay, trên địa bàn huyện Nông Sơn còn khoảng 220ha lúa vụ hè thu, gần 100ha hoa màu khác có nguy cơ bị ngập lụt; ngay sau khi có công điện khẩn của Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương đã vận động nhân dân nhanh chóng thu hoạch nhanh gọn số diện tích nói trên hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra. Đặc biêt, huyện có trên 3.300 hộ dân năm trong vùng có nguy cơ bị ngập, hiện các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng chống bão, tổ chức di dời dân theo phương châm nước dâng đến đâu, dời đến đó” - ông Thủy cho biết thêm. (MINH THÔNG)

* Trong ngày 14.9, huyện Thăng Bình có 20 tàu cá công suất lớn với 570 lao động của 2 xã Bình Minh và Bình Dương đang hoạt động tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Ở ngư trường gần bờ, huyện có 140 ghe thuyền với 1.078 lao động đang hoạt động. Tuy nhiên sau khi nhận được thông báo của Đồn Biên phòng Bình Minh, các chủ phương tiện khai thác hải sản xa bờ lẫn gần bờ đã chủ động vào trú ẩn an toàn.

Từ sáng sớm, người dân ở các địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình triển khai chằng chống nhà cửa, di dời đến các điểm tập kết an toàn. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của huyện khẩn trương họp và phân công các thành viên trực tiếp đi kiểm tra tình hình tổ chức triển khai ứng phó với cơn bão số 3 và chuyển công điện cho các địa phương. Thăng Bình yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lụt, bão của huyện và phương án phòng chống lụt, bão của cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo ghi nhận, các hoạt động chặt tỉa cành cây; kiểm tra, rà soát các công trình thuỷ lợi, công trình phòng chống lụt bão; huy động vật tư, phương tiện; tổ chức cứu hộ người, các công trình cũng như cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho dân ở  nơi sơ tán được triển khai nhanh gọn, đồng bộ từ sáng sớm cho đến tối nay. UBND huyện đã tổ chức thông tin về các công điện, diễn biến của bão trên Đài truyền thanh - truyền hình của huyện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Thăng Bình cũng tổ chức phân công trực bão, lụt 24/24 giờ. Hiện tại, các hồ, đập trên địa bàn huyện vẫn ở tình trạng an toàn. (N.Q.VIỆT).

* Trao đổi với phóng viên Báo Quảng NamOnline lúc 17 giờ 30 phút chiều nay 14.9, ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Ban chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn huyện Hiệp Đức cho biết, ngay sau khi nhận được Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo huyện đã đề nghị chính quyền các địa phương nhanh chóng triển khai những biện pháp cấp bách nhằm đối phó hiệu quả với cơn bão số 3. Theo đó, UBND huyện Hiệp Đức yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn tất cả các xã, thị trấn tổ chức trực ban 24/24 giờ và tích cực vận động nhân dân ở những vùng xung yếu chèn chống nhà cửa nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để sẵn sàng sơ tán dân khi tình huống xấu xảy ra.

Theo ông Huỳnh Đức Viên, tính đến thời điểm này toàn huyện Hiệp Đức còn 80ha lúa hè thu chưa thu hoạch vì chưa chín. Nếu bão lũ xuất hiện thì rất nhiều khả năng số diện tích lúa vừa nêu sẽ bị hư hại nặng. Ông Viên cũng cho biết thêm, từ đêm 13 đến chiều tối nay 14.9 trên địa bàn huyện liên tục có mưa với lượng mưa đo được là 89mm. “Nếu nước lũ dâng cao và các nhà máy thủy điện xả lũ thì các ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương ở huyện Hiệp Đức sẽ triển khai di dời khoảng 600 hộ dân sống trong những vùng ngập lụt sâu đến nơi trú ẩn an toàn. Số hộ dân này tập trung chủ yếu ở xã Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, Bình Sơn, Quế Thọ, Thăng Phước, Quế Bình và thị trấn Tân An” – ông Viên nói.(VĂN SỰ)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắp nơi gồng mình chống bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO