Mới ra khỏi tháng Giêng mà trời đã làm cơn đại hạn gay gắt, khắc nghiệt. Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có 11/13 tỉnh phải công bố tình trạng thiên tai. Khát nước, không chỉ với đất đai đang bị khô hạn và xâm nhập mặn nặng nề. Cơn khát cháy bỏng kéo một vệt dài dọc lưu vực sông Mê Kông còn mang đến cảnh báo hủy diệt sinh thái nhiều cánh đồng và làm hàng triệu người điêu đứng.
Câu chuyện biến đổi khí hậu đã hiện hữu với sự khốc liệt chưa từng thấy trong mấy chục năm qua. Những cánh đồng nứt nẻ, đến cây mía cũng cháy khô như ở đồng cỏ châu Phi. Hạn hán cũng diễn ra suốt dải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Vùng duyên hải ven biển xứ Quảng, tình trạng nhiễm mặn cũng khiến một số vùng thiếu nước sinh hoạt... Các chuyên gia khí tượng dự báo, tình trạng hạn hán còn kéo dài và gia tăng cường độ, tác động xấu đến Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung, kể cả một số quần đảo thuộc Thái Bình Dương. Rồi đây, khi vựa lúa lớn nhất nước bị thiệt hại nặng nề, vấn đề xuất khẩu lương thực, cơ cấu lại sản xuất cây trồng, chuyển đổi lao động sẽ phải đặt ra dữ dội, cấp thiết hơn nữa.
Thiên tai, dĩ nhiên là do trời tạo ra, nhưng cũng có phần đáng kể do con người. Vì sự can thiệp thô bạo, mà rõ nhất là tác động tiêu cực đến những con sông, cánh rừng, hệ sinh thái thiên nhiên, nên con người bị “trả đũa”. Hệ thống sông Mê Kông bị chặn từ Trung Quốc cho đến vùng hạ nguồn với hàng trăm con đập thì làm sao không làm biến đổi tiêu cực thủy văn, sinh thái? Nghe Trung Quốc xả đập thì mừng nhưng giọt nước ít ỏi đó có mong gì cứu đồng bằng sông Cửu Long được nữa khi cơn đại hạn đã đốt trụi. Cũng sẽ không bao giờ “trở lại ngày xưa” được nữa với những cư dân sông nước miền Tây Nam Bộ, vì đã mất đi khoảng 50% lượng nước cung cấp từ thượng nguồn.
Trong cơn cháy khát này người ta đặt ra câu chuyện về tình người, tình nhân loại. Bởi vì, trong cơn hạn như vậy mà có người lại mừng vì kiếm bộn tiền nhờ bán được nước (do chênh lệch giá mua - bán gấp khoảng 10 lần); bà con nông dân phải “nhịn ăn để có tiền mua nước” như báo chí mô tả cảnh sống ở một số vùng Tây Nam Bộ. Bởi vì, cùng một dòng sông mà kẻ ở thượng nguồn cứ tích nước thì người phía hạ nguồn khát cháy cổ mùa hạn, ngập lút đầu mùa mưa, sẽ không là chuyện lạ. Trung Quốc đang giữ “quả bom nước” có thể làm Đông Nam Á bất ổn. Tuy nhiên, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, ba nước giữ ưu thế cung cấp sản lượng lớn lúa gạo cho thế giới, vậy thì phải có cách hợp liên đối phó để bảo vệ lưu vực sông Mê Kông. Chuyện đã đến tầm khu vực thì chỉ có tiếng nói quốc tế và cố kết cộng đồng nhân loại mới có thể góp phần làm xoay chuyển tình hình.
Trong lịch sử, tình trạng hạn hán cũng đã từng xảy ra. Ông bà ta cũng có lúc phải ngửa mặt lên trời mà... lạy (Lạy trời mưa xuống/lấy nước tôi uống/lấy ruộng tôi cày/lấy bát cơm đầy/lấy khúc cá to). Tuy nhiên, thời này chỉ có “lạy” một cách thụ động như thế thì không thể nào thực hiện được khát khao phát triển ổn định, bền vững. Để khỏi khát phải bắt đầu từ chuyện khác, từ ứng phó với biến đổi khí hậu và cả với những kẻ “ỷ mạnh hiếp yếu” nhờ cái thế thượng nguồn.
ĐĂNG QUANG