Cầu Cửa Đại đã khánh thành.
Tuyến đường ven biển Quảng Nam cũng đã xong giai đoạn 1.
Con đường và cây cầu chiến lược này đang và sẽ mở ra vận hội mới cho vùng đông Quảng Nam. Các dự án lớn sẽ vào đây, khiến cho diện mạo vùng đất nghèo đổi thay mạnh mẽ.
Mừng, nhưng ngay lập tức cũng hiện lên nỗi lo về việc cung ứng nguồn lao động. Theo tính toán của các cơ quan hữu trách, những dự án đang và sẽ triển khai trên vùng đông cần hàng chục nghìn lao động, từ du lịch, dệt may, xây dựng, cơ khí... Vì thế, cơn khát lao động không thể chỉ ngày một ngày hai có thể dịu đi, thỏa mãn được.
Câu chuyện về cung ứng nguồn lao động, nhìn trên toàn cảnh Quảng Nam, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn bất cập. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có hơn 97.000 lao động làm việc tại 2.563 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Giải quyết được số lượng lớn lao động như thế là một cố gắng đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người Quảng phải tha hương tìm kiếm việc làm. Cụ thể như năm rồi, có hơn 38.800 lao động Quảng Nam đi làm việc ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để giải quyết bài toán đào tạo lao động cho kịp với nhu cầu là không đơn giản. Hiện nay, toàn tỉnh có 47 cơ sở dạy nghề ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và nghề ngắn hạn dưới 3 tháng… Song, như nhận định của Sở LĐ-TB&XH, việc đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng biết nhiều trường nghề vẫn đang loay hoay trong chuyển đổi mô hình gắn đào tạo với cung ứng đến doanh nghiệp. Chất lượng dạy nghề cũng chưa thỏa yêu cầu của nhiều doanh nghiệp cần lao động tay nghề cao. Mặt khác, hiện nay trong xã hội vẫn còn tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ. Vì thế, sức hút thanh niên vào trường nghề còn yếu hơn vào trường đại học. Câu chuyện đầu ra thừa thầy thiếu thợ vẫn như một điệp khúc buồn. Và do vậy, nhưng dự án lớn vào Quảng Nam phải tính toán rất căng việc tuyển dụng lao động, hoặc doanh nghiệp phải mất công đào tạo mới có thể đưa dự án sản xuất kinh doanh vào hoạt động.
Trở lại với vùng đông Quảng Nam, ngoài các “dự án tỷ đô” đang chuẩn bị đầu tư cần nguồn cung ứng lao động rất lớn thì câu chuyện chuyển đổi ngành nghề ở các địa phương cũng đặt ra bài toán về nhân lực. Ngay như nghề biển, việc chuyển đổi mô hình sản xuất, đánh bắt hải sản theo hướng vươn khơi đòi hỏi phải có lực lượng lao động tay nghề cao và kiến thức căn bản để làm chủ phương tiện hiện đại. Bởi theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), lực lượng lao động có bằng cấp trong khai thác hải sản hiện nay thiếu trầm trọng, không chỉ riêng ở Quảng Nam mà còn ở nhiều tỉnh ven biển có nghề cá phát triển. Một khi tàu khai thác đang và sẽ được trang bị hiện đại, nhất là tàu vỏ thép và vật liệu mới, thì rất cần những người được đào tạo bài bản để vận hành, điều khiển hiệu quả. Tàu to sóng lớn cần con người có bản lĩnh và kiến thức về hàng hải, ngư trường mới làm chủ được.
Bà con Quảng Nam mừng vì vùng đông có những công trình và dự án lớn. Nhưng làm thế nào để con em họ không phải đứng bên lề sự phát triển của vùng đất là điều cần phải tính toán. Câu chuyện đào tạo, cung ứng lao động đặt lên vai chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đòi hỏi trách nhiệm không nhỏ đối với việc khơi dậy tiềm lực con người.
ĐĂNG QUANG