Dù đang ở cuối tiết mưa nhưng tại nhiều địa phương của xã Đại Hồng (Đại Lộc), hàng trăm hộ dân đang chống chọi với cảnh thiếu nước sạch, một số hộ phải chấp nhận dùng nguồn nước tự chảy dẫn từ sông suối không đảm bảo vệ sinh.
Nhiều năm qua, dù đã có nhiều chương trình về nước sạch sinh hoạt được triển khai tại Đại Lộc, song nước sạch vẫn luôn là vấn đề được quan tâm tại nhiều thôn của xã Đại Hồng và vùng phụ cận. Thôn Hòa Hữu Tây có 350 hộ dân thì có đến 200 hộ thiếu hụt nguồn nước sạch nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hồng Quảng - Trưởng thôn Hòa Hữu Tây cho biết, thời trước, người dân Đại Hồng dùng nguồn nước tự nhiên như nước khe, suối, giếng đào để sinh hoạt, ăn uống. Vài năm trở lại đây nguồn nước giếng bị khô cạn vào mùa nắng, nhiều hộ phải khoan sâu tới 50 - 60m mới có nước nhưng lại bị nhiễm phèn. Có giếng khi mới bơm lên thấy nước trong nhưng để lắng thì phát hiện lớp phèn vôi dày đóng bên dưới. Mấy năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân tổ 1, tổ 2 của thôn Hòa Hữu Tây cực khổ trăm bề khi toàn bộ giếng đào, giếng đóng đều bị nhiễm phèn vàng, phèn đỏ hay phèn vôi và có mùi tanh hôi, không thể dùng để sinh hoạt chứ nói gì đến việc ăn uống.
Tình trạng “tiền mất giếng bỏ hoang” do bị nhiễm phèn, đá vôi diễn ra nhiều ở Đại Hồng. Ảnh: N.DUY |
Ông Ngô Thanh Tín (thôn Hòa Hữu Tây) chia sẻ, để có nguồn nước sinh hoạt, gia đình đã bỏ gần 15 triệu đồng ra đào giếng lấy nước, vì địa hình đồi núi lại có đá vôi phân bố nên giếng ở đây đào rất sâu, từ 15 đến 30m mới có nước. “Chi phí đào giếng đã tốn kém rồi nhưng buồn một nỗi là giếng lại không sử dụng được, nhiễm phèn có mùi hôi chỉ dùng để tưới cây hoặc tắm cho trâu bò” - ông Tín nói. Cũng như tình cảnh ông Tín, nhiều hộ dân địa phương bỏ ra vài chục triệu đồng khoan giếng sâu tới 50 đến 60m để mong có nước sinh hoạt, song “tiền mất giếng bỏ hoang” là chuyện phổ biến ở vùng này. Ông Phan Thạch - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động số 2 tỉnh Quảng Nam thông tin, tình trạng thiếu nước sạch diễn ra thường xuyên làm cho việc sinh hoạt của anh em trong đội cơ động đóng chân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Mới đây, ngành kiểm lâm đầu tư hơn 80 triệu đồng khoan giếng để phục vụ đời sống, sinh hoạt cho anh em trong đội và lực lượng kiểm lâm địa bàn, sử dụng được thời gian ngắn đến nay phải bỏ hoang vì nguồn nước không đảm bảo. Cũng như người dân, lực lượng kiểm lâm ở đây phải làm đường ống dẫn nước từ khe suối gần đó về để sinh hoạt, uống nước bình.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết: “Toàn xã có 10 thôn, 8 thôn có công trình nước tự chảy, riêng 2 thôn Hòa Hữu Đông và Hòa Hữu Tây thì chưa được đầu tư nên tình trạng khan hiếm nguồn nước là có thật. Mỗi lần họp, tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều nghe bà con phản ánh. Vẫn biết vấn đề nước sinh hoạt đối với người dân là cấp thiết hơn bao giờ hết nhưng việc đầu tư một công trình cấp nước sinh hoạt lại nằm ngoài khả năng của xã. Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên đề nghị được hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt để đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, đảm bảo sức khỏe người dân và phục vụ phát triển kinh tế”. |
Không chịu nổi cảnh thiếu nước, dù đời sống còn bộn bề khó khăn song nhiều hộ chấp nhận đóng góp 5 - 7 triệu đồng bắc đường ống dẫn nước từ khe Đỏ, khe Bãi Trầu về sinh hoạt, đây được xem như giải pháp “chữa cháy”. Tuy nhiên giải pháp này lại thiếu bền vững bởi mùa mưa thì nước khe suối đầy ắp nhưng mùa nắng lại cạn kiệt. “Những tháng mùa mưa là lúc đời sống sinh hoạt có phần dễ chịu hơn vì nguồn nước đủ dùng. Trong khi đó, các tháng còn lại là lúc các con suối, nước sông Vu Gia xuống thấp làm cho mực nước ngầm cạn kiệt, các giếng nước trơ đáy, chỉ còn cách hạn chế, tiết kiệm đến mức thấp nhất nguồn nước sinh hoạt và bỏ ra vài trăm nghìn đồng mỗi tháng để mua nước bình về uống. Đó là nói những hộ khá giả, còn ai quá khó khăn thì chấp nhận dùng nước giếng không đảm bảo vệ sinh” - ông Ngô Thanh Tín chia sẻ thêm.
Người dân địa phương đang lo lắng về nguy cơ bệnh tật do sử dụng nước không hợp vệ sinh, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa, sỏi thận… “Vẫn biết là dùng nước giếng phèn hay dùng nước tự chảy là không hợp vệ sinh nhưng biết làm sao được, phải cắn răng mà dùng” - ông Ngô Bốn (thôn Hòa Hữu Tây) tâm sự. Không chỉ Hòa Hữu Tây, Hòa Hữu Đông, ở các thôn Ngọc Kinh Đông, Ngọc Kinh Tây…, tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch vẫn là nỗi khổ triền miên của cư dân sống ở vùng này. Bà Nguyễn Thị Nghĩ, người dân thôn Ngọc Kinh Đông mong mỏi: “Khoan giếng không được, giếng đào thì gặp phèn và nếu không phèn thì cũng cạn dòng vào tiết nắng. Bỏ tiền dẫn nước suối về tốn kém đã đành nhưng mỗi trận mưa, nước suối đục lắm, không còn cách nào khác, phải lọc kỹ để dùng. Mong chính quyền và các tổ chức xã hội quan tâm hỗ trợ đường ống hoặc đầu tư hỗ trợ công trình nước sạch để người dân chúng tôi được hưởng lợi”.
T. NHAN - N.DUY