Đó là chủ đề tại lễ tuyên dương tập thể, cá nhân tiên tiến làm theo lời Bác, được tổ chức vào cuối tuần qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn mong muốn lan tỏa thông điệp “Hãy để mỗi ngày có thêm một tin tốt, mỗi tuần có thêm một câu chuyện đẹp về tuổi trẻ”.
Tuổi trẻ thi đua học Bác
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh, để đánh giá chất lượng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cơ sở đoàn phải được đo lường bằng sự đóng góp của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; sự trưởng thành của thanh niên thông qua số lượng và chất lượng thanh niên tiên tiến làm theo Bác được phát hiện, tuyên dương, phát huy; bằng số lượng đoàn viên mới, đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Bên cạnh đó, nội dung đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự nêu gương, mà trước hết là đối với đội ngũ cán bộ đoàn, hội, đội.
Chương trình “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” được Tỉnh đoàn tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).
Trong chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tuyên dương 30 gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Đây là những tấm gương thanh niên tiêu biểu của địa phương, đơn vị có nhiều đóng góp nổi bật trong học tập, lao động sản xuất, cống hiến vì cộng đồng...
Chương trình được giao lưu với những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào học tập, cống hiến vì cộng đồng, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đó là chiến sĩ công an Lê Văn Tùng công tác tại xã Tr’Hy (Tây Giang) - một trong hàng trăm chiến sĩ được Bộ Công an điều động về công tác tại các xã biên giới. Trước khi được điều động, anh Tùng là giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân và từng là thủ khoa đầu vào của học viện này, có thời gian học tập tại Liên bang Nga.
Chia sẻ câu chuyện của bản thân tại chương trình “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên”, anh Tùng cho biết: “Về công tác ở xã miền núi Tr’Hy có nhiều vấn đề nảy sinh do khoảng cách địa lý, phong tục, tập quán tới ngôn ngữ và khí hậu.
Tuy nhiên, bản thân tôi tỏ rõ quyết tâm, nỗ lực, vượt qua khó khăn để làm sao hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, tôi cũng nhìn nhận đây chính là cơ hội khai phá tiềm năng bản thân ở môi trường còn nhiều khó khăn”.
Hà Thị Phương Thảo là một trong 3 sinh viên của Trường Đại học Quảng Nam đoạt giải tại kỳ thi Olympic Toán học sinh viên, học sinh toàn quốc năm 2022. Theo Thảo, “Học tập và học tập suốt đời” là một trong nội dung quan trọng trong tư tưởng của Bác về giáo dục. Tấm gương tự học của Bác trên con đường cứu nước là niềm cảm hứng để thế hệ trẻ học tập và làm theo.
“Trong khó khăn gian khổ, Bác Hồ luôn cố gắng để tự học, tự nâng cao kiến thức. Vậy, trong khi thời đại 4.0, mọi thứ đều thuận lợi, đều có thể tìm thấy trên mạng, cớ sao tuổi trẻ chúng ta lại không cố gắng tự học tập?” - Thảo chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Văn Lợi - Phó Bí thư Đoàn phường Điện Dương (Điện Bàn) cho rằng: “Mỗi thanh niên khi đang khoác lên mình màu áo xanh thì trong lòng phải có nhiệt huyết, khát khao cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội. Thanh niên hãy sống thật tốt để thanh xuân là tấm gương sáng, là người có ích cho quê hương”.
Khát vọng cống hiến
Thời gian qua, cụm từ “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động trong mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên; tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh.
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh đã nhắc lại sự kiện: Ngày 5/6/1911, tại Bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, khi đó mới tròn 21 tuổi, đã khởi hành sang Pháp, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Với hai bàn tay trắng, lòng yêu nước nồng nàn, không chịu áp bức bóc lột, đàn áp của thực dân Pháp; người thanh niên ấy đã hòa mình vào cuộc sống của những người lao động, làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động, bôn ba khắp năm châu bốn bể, tự học, tự trải nghiệm nuôi dưỡng khát vọng tìm đường giải phóng dân tộc để rồi sau đó mang về ánh sáng tự do cho dân tộc.
Nhắc nhớ đoàn viên thanh niên về hành trình tìm đường cứu nước của Bác, chị Phạm Thị Thanh cho rằng: “Với tôi và các bạn, có lẽ “Khát vọng cống hiến” được hiểu một cách đơn giản nhất, đó là mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp, là niềm ao ước được dâng hiến sức lực của mình một cách tự nguyện vào các công việc tốt cho gia đình, cho cơ quan, đơn vị và cho cộng đồng, xã hội”.
Bí thư Tỉnh đoàn mong muốn tuổi trẻ hãy tự lực bằng chính sức trẻ và trí tuệ của mình, không ngần ngại tô điểm bản thân ngày một tốt hơn, mỗi ngày cố gắng làm thêm một việc có ích cho cộng đồng. Hãy để mỗi ngày có thêm một tin tốt, mỗi tuần có thêm một câu chuyện đẹp về tuổi trẻ.