(QNO) - Khao khát khởi nghiệp trên quê hương, các bạn trẻ của An's Farm (TP.Hội An) dù mỗi người một chuyên môn nhưng đã cùng gặp nhau ở niềm đam mê nông sản sạch, để tạo dựng một thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Học sinh tiểu học thích thú khi tham quan trang trại tại An's Farm. Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG |
Mở hướng đi riêng
Sau 8 năm làm giám đốc kỹ thuật cho một nông trường tại tỉnh Gia Lai, kỹ sư lâm nghiệp Trần Văn Thời (quê Bình An, Thăng Bình) quyết định nghỉ việc trở về quê hương để theo đuổi niềm đam mê làm nông sản sạch. Đầu năm 2018, anh Thời cùng những người bạn thuê 1ha đất cát tại xã Cẩm Hà (Hội An) để khởi đầu dự án, và An's Farm ra đời từ đó.
Theo anh Thời, dù rau hữu cơ đang dần được thị trường biết đến, tuy nhiên với giá thành tương đối cao nên vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng chấp nhận. Chưa kể, trồng rau hữu cơ thời gian luôn dài hơn thông thường, chi phí phân, công cũng tiêu tốn hơn.
Chính vì vậy, thời gian đầu nhóm tập trung vào các loại cây như chuối, ổi, chanh dây, nghệ đen, nghệ trắng, húng quế, atiso... Đây là những sản phẩm dễ tiêu thụ, dễ thu hồi vốn. Để cải tạo đất, nhóm mua phân chuồng của người dân khu vực xung quanh, kết hợp phân trùn quế xử lý lỏng và đưa luôn vào hệ thống tưới tiết kiệm nhân công. Đồng thời thực hiện phương thức trồng xen canh nhằm đa dạng cơ cấu cây trồng và kiểm soát dịch hại.
Nhận thấy nông dân địa phương và các vùng lân cận chủ yếu bán sản phẩm thô, thu nhập thấp và phụ thuộc vào thương lái, nhóm quyết định chọn phương án sấy khô và tạo những sản phẩm tinh chế cung cấp cho thị trường.
An's Farm cũng là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách. Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG |
Chị Lê Phạm Thiên Hằng (Quế Phong, Quế Sơn) - kỹ sư công nghệ chế biến thực phẩm, thành viên dự án cho biết, được sự tài trợ của tổ chức An Tiêm Việt Nam trong dự án "Máy sấy năng lượng mặt trời cho cộng đồng" cùng với chuyên môn của mình, chị đã cùng nhóm nghiên cứu ra công thức sản xuất những loại trà thảo mộc, sản phẩm dưỡng da từ chính nông sản của nông trại như trà húng quế, trà atiso, tinh bột nghệ đen mật ong, son dừa, dầu gấc...
Các sản phẩm tinh chế mang thương hiệu An's Farm được giới thiệu tại các phiên chợ nông sản sạch, các spa và khách sạn trên địa bàn TP.Hội An luôn nhận được phản hồi tích cực từ người dùng. Hàng tuần, nông trại đều gom các đơn đặt hàng và giao hàng cho khách có nhu cầu tại Đà Nẵng, Quảng Nam.
Tuy vậy, đầu ra chính của sản phẩm vẫn là lượng khách mua trực tiếp tại nông trại. Khi đến tham quan, tận mắt nhìn thấy một quy trình sản xuất khép kín từ trồng cây, thu hoạch, sấy và ra thành phẩm đã tạo sự tin tưởng, thích thú cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.
Những loại rau quả cũng được phục vụ trực tiếp trong các món ăn của du khách khi đến tham quan như nước rau quả, nước chanh dây, bánh xèo, bánh hỏi... "Nhóm muốn xây dựng, phát triển một thương hiệu từ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ địa phương hướng tới du khách, nhằm lan tỏa giá trị của nền nông nghiệp sạch Quảng Nam đến người tiêu dùng trong và ngoài nước" - chị Hằng nói.
Hướng đến cộng đồng
Không chỉ khởi nghiệp cho riêng mình, các bạn trẻ An's Farm đang dần hiện thực hóa ước mơ xây dựng một cộng đồng trồng trọt nông sản sạch, bằng cách tạo ra một mô hình nông nghiệp hữu cơ tiết kiệm chi phí, thiết thực nhất để có thể áp dụng và nhân rộng trong tương lai.
Để người nông dân có thể trải nghiệm và tin rằng làm nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng hóa chất vẫn có thể cho năng suất cao, trang trại đã dành ra ngày Chủ nhật mỗi tuần gọi là "Ngày cộng đồng" để đón người dân đến tham quan mô hình, nghiên cứu sản phẩm.
Sau hơn 3 tháng mở cửa đón khách, nhiều nông dân, tổ chức, đoàn thể từ các vùng lân cận như Cẩm Kim (Hội An), Duy Vinh (Duy Xuyên) hay xa hơn Đại Bình (Nông Sơn) đã tìm đến học tập mô hình về áp dụng tại địa phương.
Nông trại hướng đến thay đổi nhận thức của người nông dân và trẻ em về giá trị của nông nghiệp sạch. Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG |
Trang trại cũng đã kết hợp với tổ chức An Tiêm Việt Nam hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy sấy năng lượng mặt trời, cung cấp các thiết kế, thông tin chi tiết về kỹ thuật cho người dân, giúp người dân có thể tự thiết kế một chiếc máy sấy sử dụng tại nhà.
"Những buổi chia sẻ kinh nghiệm bằng dẫn chứng "người thật, sản phẩm thật" đã dần lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng. Đem lại niềm tin về sự phát triển bền vững của nông nghiệp hữu cơ đến với người nông dân" - Lê Tấn Huy, một thành viên của nhóm chia sẻ.
Bên cạnh đó, An's Farm cũng áp dụng mô hình "Farm for future", kết hợp trồng trọt với chế biến thực phẩm và du lịch sinh thái thân thiện môi trường. Một số tour trải nghiệm thiên nhiên nổi bật như "Tham quan nông trại", "Thử làm nông dân"… đã được nhiều phụ huynh, du khách đón nhận. Đông đảo nhất phải kể đến các trường mầm non, tiểu học. Tại đây, các em được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, tự tay gieo hạt, trồng những cây loại yêu thích. Các em cũng sẽ được giới thiệu những loại cây ăn quả trồng bằng phương pháp hữu cơ; học cách phân biệt củ nghệ, củ gừng bằng cách ngửi mùi vị lá; được giảng giải từng loại cây lấy dinh dưỡng và phát triển như thế nào…
Theo anh Lê Tấn Huy, với những nội dung thiết thực mang tính cộng đồng cao, không ít tình nguyện viên người nước ngoài cũng đã thường xuyên đến tham gia hỗ trợ hướng dẫn, tương tác với các bé bằng tiếng Anh nhằm giúp trao dổi, trau dồi kỹ năng tiếng Anh cho các bé.
"Thông qua quá trình trải nghiệm thiên nhiên cùng bạn bè, trẻ sẽ cảm nhận được giá trị của bản thân cũng như niềm vui lao động. Qua đó bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ngay từ khi còn bé. Đó cũng là mục tiêu của An's farm hướng tới" - anh Huy chia sẻ.
HUYỀN PHƯƠNG