Khát vọng Duy Tân

Nguyễn Thanh Bình 11/11/2019 11:54

Hôm nay 11.11, Trường Đại học (ĐH) Duy Tân - DTU, đóng tại Đà Nẵng, vừa tròn 25 năm tuổi (1994 - 2019). Đây là trường ĐH tư thục đầu tiên và lớn nhất miền Trung, cũng là trường ĐH thứ hai của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định ABET của Mỹ.

Các bạn sinh viên trong Nhóm nghiên cứu AI của Trường ĐH Duy Tân và robot thông minh. Ảnh: N.T.B
Các bạn sinh viên trong Nhóm nghiên cứu AI của Trường ĐH Duy Tân và robot thông minh. Ảnh: N.T.B

Khát vọng tương lai

Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị  DTU  kể: “Hai năm trước, khi nghe Trường ĐH Duy Tân khát vọng vào tốp 300, có nhiều người gọi điện nói có phải Duy Tân “điếc không sợ súng không”, còn GS. Ngô Bảo Châu khi đến thăm, làm việc với trường cũng rùng mình. Vì Duy Tân là gì mà dám đề ra những mục tiêu như vậy. Xin thưa, đó là khát vọng! Chúng ta có quyền khát vọng, nó có thể trở thành hiện thực trong tương lai. Và Duy Tân khát vọng vào tốp 300 châu Á năm 2022 (theo bảng xếp hạng ĐH  Times Higher Education - THE)”.

TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết, mục tiêu kiểm định quốc gia và quốc tế đang là nhu cầu bức thiết và cũng là xu hướng của các trường ĐH Việt Nam hiện nay. Khát vọng DTU là cung cấp các kỹ năng cạnh tranh toàn cầu cho người học, và chương trình hợp tác quốc tế với các trường ĐH lớn của Mỹ 10 năm nay đã đảm bảo cho sinh viên được học tập với những chương trình đào tạo đạt chuẩn, chất lượng và tiên tiến nhất. Mới đây, sau 10 tháng kể từ ngày thực hiện kiểm định, DTU đã được ABET - Tổ chức kiểm định nổi tiếng thế giới về đào tạo kỹ thuật - công nghệ của Mỹ công bố kết quả 2 chương trình của DTU đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET. Như vậy DTU là trường ĐH thứ 2 của Việt Nam (sau Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đạt ABET năm 2014), cũng là trường ĐH ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam có các chương trình về kỹ thuật mạng và hệ thống thông tin quản lý đạt chuẩn kiểm định ABET.

“Để đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET, nhà trường đã dành thời gian ngót 7 năm gầy dựng và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng kịp nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Hai năm trước, nhà trường đã đặt mục tiêu đến kỷ niệm 25 năm thành lập trường (11.11.1994 - 11.11.2019) đạt kiểm định quốc tế ABET. Và hôm nay, mục tiêu đó trở thành hiện thực. Đây là giá trị tinh thần quý giá, động lực mới góp phần hiện thực hóa mục tiêu của DTU là quốc tế hóa các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ nói chung, và du lịch & kiến trúc nói riêng trong thời gian tới” - TS.Lê Nguyên Bảo chia sẻ.

Robot thông minh đầu tiên

Khẩu hiệu đồng hành của Trường ĐH Duy Tân là “Tất cả vì quyền lợi học tập, nghiên cứu và việc làm của sinh viên”, với sứ mạng “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu khoa học thực nghiệm trên nền nhân văn hiện đại”. Qua 25 năm hình thành và phát triển, Trường ĐH Duy Tân đã tuyển sinh và đào tạo gần 61.000 nhân lực trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân và hơn 8.000 trung cấp chuyên nghiệp. Theo khảo sát, có 94% số sinh viên tốt nghiệp của Trường ĐH Duy Tân nhanh chóng tìm được việc làm, trong đó tất cả sinh viên ngành công nghệ và du lịch có việc làm ngay tại thời điểm ra trường.

Nhóm nghiên cứu AI của Phòng Nghiên cứu Điện - điện tử với doanh nghiệp và Trung tâm Điện - điện tử (Trung tâm CEE) của DTU cũng vừa thử nghiệm thành công robot thông minh đầu tiên, có khả năng hướng dẫn khách tham quan nhà trường bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Trong nhóm AI, có thầy Phạm Quyền Anh đã 8 năm gắn bó chế tạo robot, hướng dẫn sinh viên DTU tham gia đoạt giải Robot bằng tay xuất sắc và Robot tự động xuất sắc nhất 2013; giải Ba và giải Phong cách tại cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam  2014. Các bạn Quốc Huy, Hoàng Trung, Khánh Linh và Khải Hoàn là sinh viên năm 2 và năm 3 các khoa Điện - điện tử, Du lịch, Quản trị kinh doanh với niềm đam mê nghiên cứu robot nhà trường.

Thầy Anh cho biết, trước đó nhóm nghiên cứu đã đến ĐH Bang Nevada ở Las Vegas (UNLV) - Mỹ để trao đổi và nghiên cứu về sản xuất robot. Tại đây, nhóm đã tiếp cận với hệ điều hành The Robot Operating System (ROS) - hệ điều hành được xây dựng theo kiến trúc mở, giúp cho việc thử nghiệm các ý tưởng, thuật toán dễ dàng nhanh chóng hơn. Đặc biệt, nhóm đã tìm hiểu các thuật toán định vị, đường đi cho robot qua sử dụng các cảm biến chuyên dụng như Encoders, Imu, Scan laser, 3D camera, giúp robot hoàn chỉnh khả năng phục vụ trong nhà hàng, khách sạn. Robot được thiết kế bắt mắt, luôn thân thiện với khách và rất linh hoạt trong di chuyển, có khả năng tương tác cao nhằm hỗ trợ tối đa cho người dùng.

Robot thông minh có phần đầu gồm một màn hình 10 inch hiển thị khuôn mặt người nữ có thể biểu cảm các trạng thái khác nhau như vui, buồn, giận, gật đầu - đồng ý, lắc đầu - không đồng ý... Phần thân dưới robot là nơi chứa các bo mạch điều khiển, máy tính, cơ cấu di chuyển và màn hình cảm ứng 24 inch. Robot còn được trang bị 2 camera, trong đó 1 camera thường để nhận biết khi có người đứng phía trước và một camera 3D để giúp xây dựng lại bản đồ mặt bằng nơi robot đang hoạt động... Thông qua màn hình cảm ứng thiết kế vừa tầm tay, người dùng tương tác với robot để xem thông tin đường đi được hiển thị, mức giá của các món ăn trong thực đơn cũng như đồ uống hay thức ăn tự chọn. Nhờ tích hợp cảm biến bên trong và sự hỗ trợ của các thuật toán AI, robot này có thể hỗ trợ và tương tác với người dùng bằng các câu lệnh đơn giản, dựa trên công nghệ điều khiển bằng giọng nói, được cài đặt để có thể hiểu được ngôn ngữ của nhiều nước trên thế giới.

Sáng tạo vì lợi ích cộng đồng

Các robot đều “ra lò” tại Trung tâm CEE cơ sở Hòa Khánh Nam, Quận Liên Chiểu. Đây không chỉ là nơi sản xuất ra robot trứ danh của DTU để tham gia các đấu trường trong nước và quốc tế, mà còn hướng đến phục vụ lợi ích cộng đồng. Trong đó, câu chuyện của hai học sinh Trần Đăng Khoa và Phan Trọng Hiếu tại huyện Đại Lộc từng được Trung tâm CEE “Nối cánh tay robot cho người khuyết tật” lan tỏa giá trị khoa học - nhân văn của nhà trường. Hay trước thềm xuân Kỷ Hợi 2019, DTU cũng đã trao tặng xe lăn điện cho 10 người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở TP.Đà Nẵng. Những chiếc xe lăn điện tiện dụng này được Trung tâm CSE sản xuất trong vòng 2 tháng; mỗi xe trọng lượng 20kg, có giá 20 triệu đồng...

Còn nhớ Lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt đêm 16.11.2017 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao giải Nhất lĩnh vực Công nghệ thông tin cho sản phẩm “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối khoa học sức khỏe” của nhóm tác giả DTU gồm Lê Văn Chung, Trịnh Hiệp Hòa, Lê Khắc Triều Hưng, Nguyễn Lương Thọ, Nguyễn Minh Đức và Lê Hoàng Quốc Bảo. TS.Lê Nguyên Bảo, khi ấy là trưởng dự án này cho biết, ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D trong giải phẫu học là tâm huyết sau 5 năm dày công nghiên cứu của nhóm tác giả, giúp khắc phục tình trạng giảng dạy “chay” lý thuyết trong đào tạo y khoa. Sản phẩm này đã xuất sắc trở thành một trong những công trình được vinh danh trong Lễ trao giải “Tri thức Trẻ vì Giáo dục” năm 2016. Đây cũng là giải Nhất duy nhất, trị giá 100 triệu đồng của giải thưởng Nhân tài đất Việt 2017. Đồng thời sản phẩm tiêu biểu này cũng đạt giải thưởng Sao Khuê 2018.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khát vọng Duy Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO