“Việt Nam 2045 – Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình” là chủ đề của Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2019 do Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” và Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng hôm 5.10, với sự tham dự của hơn 1.000 doanh nhân trên cả nước.
Nhiều, nhưng chưa mạnh!
VCCI công nhận những cải cách chính sách mạnh mẽ đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh mẽ trong suốt hai thập kỷ qua. Con số 740.000 DN đang hoạt động (98% DN nhỏ và vừa, hơn 5 triệu hộ kinh doanh) đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững của quốc gia thông qua tạo việc làm, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao đời sống người lao động, góp phần quan trọng giảm chênh lệch giai tầng trong xã hội, mở rộng thị trường và tái cấu trúc sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực DN hiện đang đóng góp khoảng 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, số lượng DN không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Nhưng, chất lượng vẫn chưa đạt chuẩn trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN. Quá ít thương hiệu lớn, đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với thế giới. Có thể có những doanh nhân, DN riêng lẻ, có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ DN, doanh nhân hùng mạnh và các nhà công nghiệp sánh vai cùng thiên hạ. Các DN Việt khó kết nối với nhau trong chuỗi giá trị toàn cầu. DN Việt Nam có quy vừa và nhỏ và siêu nhỏ (gần 98% tổng số DN), hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh... Trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực nhỏ bé cả về lượng và chất, chưa đủ năng lực để tiếp cận với các tiến bộ về công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.
Không chỉ thiếu liên kết, DN Việt còn thiếu vắng một lực lượng có quy mô vừa, đủ mạnh để có thể làm mắc xích giúp các DN tham gia chuỗi sản xuất, giá trị nội địa và quốc tế. “Kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị của các DN niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế thì Việt Nam bị xếp cuối bảng trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới và Ngân hàng Thế giới, năng lực DN Việt Nam cũng mới chỉ được xếp hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động chưa cao so với các nước trong khu vực” – ông Lộc nói.
Sứ mệnh doanh nhân
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nói những bước tiến của cộng đồng DN doanh nhân không đủ để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đây là một thách thức lớn mà cộng đồng DN, doanh nhân Việt phải nhận diện để khuyến nghị, đề xuất giải pháp phù hợp. Thế giới đã thay đổi, không ai đứng ngoài cuộc, bất kể là DN thuộc quy mô lớn hay vừa, nhỏ và siêu nhỏ. TS.Bùi Quang Tín – CEO trường doanh nhân Bizlight cho biết không DN nào có thể đứng ngoài cuộc mà phải trở thành một phần của chuỗi giá trị. Từng doanh nhân, DN phải trang bị cho mình kiến thức hội nhập, nắm bắt và hiểu biết rõ về các chính sách, FTA, hòa nhập vào hơi thở của sự thay đổi trong nền kinh tế nhằm nắm bắt tốt cơ hội.
Có thể nói cộng đồng doanh nhân Việt Nam vẫn chưa hết gian nan. Môi trường kinh doanh, thể chế kinh tế thị trường… vẫn còn nhiều bất định. Thành công của doanh nhân Việt không chỉ được đo lường bằng thành quả kinh tế mà còn kèm theo sự dũng cảm. Theo nhìn nhận của nhiều doanh nhân, phải định vị lại, tái cấu trúc, tăng cường liên kết, nâng cấp quản trị… Nhưng hầu hết cho rằng sẽ không thể thay đổi, không thể nâng cấp nếu không có sự hậu thuẫn của thể chế, môi trường kinh doanh. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng cần tập trung nguồn lực cho đội ngũ trí thức, xây dựng môi trường minh bạch, thể chế thuận lợi để nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân vì một Việt Nam hùng cường. Ông Trần Ngọc Liêm – Phó Chủ tịch VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho rằng DN chưa đủ mạnh vì còn gặp nhiều khó khăn khi chính sách bất cập, khó tiếp cận nguồn lực nên rất cần chính sách thiết thực, gần gũi với DN, giúp DN loại bỏ chi phí không chính thức…
Nâng cấp DN đang trở thành yêu cầu bức thiết. Số lượng và chất lượng DN cần phải đặt song hành. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Chính phủ đã và đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng hiện đại, hội nhập, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đầu tư, kinh doanh. Sự ra đời của Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ đã khẳng định mạnh mẽ cam kết của Nhà nước, của Chính phủ Việt Nam trong quá trình đồng hành với cộng đồng DN. Chính phủ cam kết đẩy mạnh cải cách thể chế chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch, tạo điều kiện cho DN phát triển, đặc biệt là khối DN tư nhân… Song, thay vì chỉ dừng lại ở mức nêu lên các khó khăn, vướng mắc, các DN, doanh nhân, các hiệp hội DN cần chủ động tham mưu, hiến kế cho Chính phủ những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy khu vực DN phát triển năng động, sáng tạo và bền vững. Sức mạnh và vị thế mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế. DN, doanh nhân là lực lượng chủ công, giữ vai trò động lực trong quá trình này.