Khát vọng Phương Trung

HOÀNG LIÊN 28/06/2018 14:08

Cơn lũ lịch sử năm 1999 khiến nửa ngôi làng Phương Trung (xã Đại Quang, Đại Lộc) bị trôi sông buộc người dân phải di dời. Dù định cư ở làng mới, song người dân vẫn bám đất làng cũ, biến những mảnh vườn xơ xác thành những vườn cây ăn quả có giá trị và cho thu nhập cao.

Mô hình vườn cây ăn quả liên vườn tại Phương Trung. Ảnh: H.L
Mô hình vườn cây ăn quả liên vườn tại Phương Trung. Ảnh: H.L

Ý tưởng ban đầu

Trở lại làng cũ Phương Trung, ngôi làng từng bị xóa sổ phân nửa bởi trận lũ lịch sử năm 1999, chúng tôi thấy một màu xanh mát mắt. Màu xanh của hoa màu, của vườn tược. Người làng vui vẻ dẫn chúng tôi đi tham quan những khu vườn cây trái  chôm chôm, dừa, mít, bưởi... Tuy làng vẫn chưa tạo được một vùng cây trái trù phú để nhiều người biết đến, song ý tưởng biến làng cũ Phương Trung trở thành vùng cây trái trĩu quả, tạo động lực phát triển làng quê du lịch sinh thái đã được thai nghén bao năm qua, chỉ chờ sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của người dân và chính quyền địa phương. Bà Nguyễn Thị Lý sở hữu 3 mảnh vườn rộng lớn ở Phương Trung và vùng lân cận với tổng diện tích trên 2 mẫu chỉ trồng cây ăn quả gồm các loại chuối, mít, dừa, xoài, nhãn… Mảnh vườn tại Phương Trung rộng 4 - 5 sào đất được bà trồng toàn bộ chuối, mít, trong đó có cả một sào đất trồng dừa đã một năm tuổi. Bà Lý còn đóng giếng, kéo đường ống khắp vườn, chỉ cần bật công tấc, hệ thống tưới phun sẽ tự động tưới vào những ngày khô hạn. “Ban đầu tôi chỉ nghĩ tới việc cải tạo khu vườn cho tốt vừa tạo thu nhập, vừa có nơi để con cháu cuối tuần về chơi. Sau tôi nảy ý tưởng tạo những khu vườn xanh - sạch - đẹp để đón những đoàn khách yêu thích thiên nhiên đến tham quan. Từ khu vườn cũ, tôi chủ động mua thêm hai khu vườn lân cận để mở rộng diện tích, trồng mít, chuối, xoài, 100 gốc dừa để tăng thu nhập và làm du lịch” - bà Lý tâm sự.

Bà Lý cũng như bao người dân Phương Trung khác, gượng dậy trên vùng đất lũ. Nhiều người đã mạnh dạn mua các giống cây ăn quả miền Nam về trồng 3 - 4 năm là cho thu hoạch. Chị Mai Thị Hồng và một số hộ cách đây 4 năm được Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc hỗ trợ 125 cây mít giống Thái Lan cho năng suất cao trồng trên tổng diện tích 250m2. Qua mấy mùa thu hoạch, mỗi gốc mít cho thu nhập 1 - 2 triệu đồng/năm. Giống mít Thái trĩu quả, bán giá 15.000 đồng/kg. Chị Hồng tỉa bán bớt trái non để dưỡng cây. Tính sơ tiền bán mít non đã vài chục triệu đồng nên người dân ở đây rất phấn khởi, học tập mô hình của chị Hồng. Chuyện người dân Phương Trung đóng kiện gửi chuối, mít sạch, không hóa chất đi các nơi, vào tận miền Nam là có thật. “Chính quyền muốn phát triển làng trở thành làng quê du lịch sinh thái, chúng tôi rất mừng, song vẫn biết đó là chặng đường gian nan. Trước mắt, chúng tôi động viên nhau cải tạo vườn tạp thành những khu vườn  đa dạng các loại cây ăn quả để phát triển kinh tế, khi đã ổn định đời sống rồi mới tính chuyện lâu dài được” - chị Hồng tâm sự. Nông sản của một số hộ ở Phương Trung có đầu ra tốt, đã có uy tín với tiểu thương, với người tiêu dùng như mít ông Cảnh, bưởi ông Chi…

Người dân ủng hộ

Xã Đại Quang đang vận động nhân dân chặt phá bớt tre, bụi rậm, cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh phong trào trồng cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng của vùng. Cùng với đó, phát động phong trào trồng cây xanh, trồng cau, làm cổng ngõ bằng chè tàu, giữ sạch đường quê… Xã cũng kiến nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu treo tại đoạn đường vào làng thường ngập úng, nước chảy xiết vào mùa mưa. Việc xây dựng vùng cây ăn quả sạch đang là mục tiêu hướng tới, cùng với đó, xã cũng xây dựng nhãn hiệu tập thể về vùng cây ăn quả, tạo điểm nhấn trong phát triển làng quê du lịch sinh thái.

Theo ông Ngô Văn Thọ - Trưởng thôn Phương Trung, làng cũ có tổng diện tích 12ha trồng cây ăn quả các loại song chỉ có 5ha với 20 hộ trồng có hiệu quả nhờ giống tốt và có sự đầu tư thâm canh hợp lý. Những vườn hiệu quả, địa phương khuyến cáo tiếp tục phát huy; diện tích còn lại được vận động cải tạo, tiếp tục trồng giống cây ăn quả phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. “Người dân rất hào hứng với chủ trương xây dựng làng quê du lịch sinh thái, nhà nào cũng xây dựng vườn cây ăn quả nhằm cải thiện thu nhập. Người dân mong muốn biến vùng đất Phương Trung thành vùng trồng cây ăn quả lớn” - ông Thọ nói. Còn theo ông Hồ Quách Triều Đổng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Quang, địa phương đã khảo sát, phân vùng trồng cây ăn quả cụ thể với từng đối tượng cây trồng và người dân đồng tình hưởng ứng. Việc biến ý tưởng được ấp ủ lâu nay trở thành hiện thực đang được xúc tiến. Phong trào phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Phương Trung đang được từng bước xây dựng kế hoạch, lộ trình bài bản. “Mai này cùng với vùng cây ăn quả là những vệt cây xanh, những vườn cau vươn mình, tường rào được phủ chè tàu, đường làng ngõ xóm sẽ khang trang, sạch đẹp. Trên thực tế, vùng quê này phong cảnh hữu tình, nhiều khu vườn đã được người dân tự cải tạo tốt nên việc biến nơi đây trở thành làng quê sinh thái không mấy khó” - ông Đổng nói.

Chủ trương phát triển làng quê du lịch sinh thái của xã Đại Quang nói riêng, Đại Lộc nói chung, chỉ mới là bước đầu, không phải chuyện một sớm một chiều mà cần có chiến lược cụ thể. Khoan hãy nói tới chuyện làm du lịch, mà trước hết là động thái tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc phát triển vùng cây ăn quả, làm giàu từ kinh tế vườn, giữ gìn làng quê sinh thái là rất đáng ghi nhận. Trên đất Phương Trung, màu xanh đã trở lại, người Phương Trung tự hào về làng cũ, luôn ấp ủ ước mong làng được khoác lên mình diện mạo mới: Làng quê du lịch sinh thái như sự tri ân dâng lên nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, vị ân nhân của làng.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khát vọng Phương Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO