Sau chiến dịch Không vận trẻ em (Babylift) năm 1975, những đứa trẻ năm ấy được nuôi dưỡng, lớn lên ở nhiều đất nước khác nhau. Nhiều người trong số họ vẫn đau đáu hướng về quê hương Việt Nam trong hành trình tìm nguồn cội.
Chantal Doecke (cùng hai con Jordan và Brooklyn - Australia) đã không ngừng tìm kiếm gia đình ruột thịt của mình suốt 40 năm qua.Ảnh: ABCnews |
Nước mắt ngày tái ngộ
Chiến dịch Babylift vào những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam 1975 đã đưa khoảng 3.000 trẻ em rời khỏi Sài Gòn làm con nuôi ở các nước như Mỹ, Australia, Canada, New Zealand… Chiến dịch Babylift đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi nhưng một điều chắc chắn, thế giới không bao giờ muốn sẽ có một chiến dịch tương tự nào như thế.
Nhiều đứa trẻ sau này lớn lên, nhận thức được hoàn cảnh của mình, đều trăn trở với ước nguyện sẽ mau chóng tìm gặp được bố mẹ, anh em và người thân trên mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”- Việt Nam. Trong 40 năm qua, đã có thật nhiều những giọt nước mắt xúc động khi một số người trong họ may mắn đoàn viên với người ruột thịt. Chị Catherine Turner (với tên thật Huỳnh Thị Cẩm Tú), được đưa lên máy bay khi mới 5 tháng tuổi, nay là nhà báo ở Australia, đã gặp mẹ ruột của mình vào năm 2002, tức sau 30 xa cách. Catherine kể lại, chị đã không ngờ chuyến thăm lần thứ hai đến Việt Nam vào năm 2002, cùng cha mẹ nuôi người Australia là dịp chị được đoàn tụ với mẹ ruột, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn phiên dịch.
Một trong số nhiều trường hợp khác là Thanh Campbell, hiện đang sinh sống tại Canada. Nhờ những câu chuyện của anh được đăng tải trên các tờ báo ở nước sở tại cũng như tại Việt Nam mà Thanh Campell đã được người bố của mình - ông Nguyễn Minh Thanh nhận ra. Năm 2009, anh Thanh quay lại Việt Nam cùng cha nuôi. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đứa con trai thất lạc bấy lâu đã ôm chầm lấy người cha ruột và khóc. Cuộc hội ngộ của chị Trista Goldberg (quốc tịch Mỹ) và gia đình tại Việt Nam cũng diễn ra trong nước mắt. Chị nói: “Tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tôi cảm giác những mảnh vụn của cuộc đời mình đã được chắp nối, thật ấm lòng”…
Thổn thức gọi quê hương
Scott Hebden (41 tuổi), hiện sinh sống tại New Zealand, là một trong số những trẻ em trong chiến dịch Babylift đang tham gia các chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, như được sử dụng phương pháp thử nghiệm ADN miễn phí từ các tổ chức để tìm kiếm người thân ở Việt Nam. Anh kể, lần đầu tiên anh về Việt Nam cách đây khoảng 20 năm. Điều kỳ lạ là khi đặt chân đến mảnh đất này, cảm giác xa lạ trong anh không có mà thay vào đó, anh như đang thấy mình bước chân vào một nơi quá đỗi gần gũi và thân thương. Trên Facebook vừa được đăng tải, Scott trải lòng rằng, anh và vợ con rất mong nhận được thông tin về người thân của mình tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong những ngày đầu tháng 4 này, tại TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc hội ngộ đầy xúc động của hàng chục người, là những đứa trẻ trong chiến dịch Babylift 1975. Nhân dịp này, Công ty Bionet Việt Nam, một công ty chuyên về xét nghiệm ADN và Công ty Motherland Heritage đã hợp tác với đoàn khách Babylift tổ chức lấy mẫu xét nghiệm miễn phí ADN cho những bà mẹ lạc con trước thời điểm 30.4.1975, những mong giúp họ tìm được người thân của mình nay đã 40 năm trôi qua.
Sue Yen Byland (sinh sống tại Australia) có mặt trong cuộc hội ngộ nói, những đứa con xa quê hương, xa cha mẹ, anh em, họ hàng mấy chục năm qua vẫn luôn nỗ lực hết sức để được đoàn tụ với gia đình và ngược lại. Tất cả, thổn thức và mong một ngày không xa…
QUỐC HƯNG